Trẻ mắc bệnh hen suyễn ở Việt Nam ngày càng tăng. Hiện nay Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ mắc hen suyễn cao nhất châu Á. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là trẻ bị bệnh hen suyễn gần như không được điều trị đúng cách, nhiều bậc phụ huynh còn sử dụng các biện pháp dân gian để điều trị khiến nguy cơ bệnh ngày càng nặng gây nên tình trạng tử vong.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 người tử vong do mắc bệnh hen suyễn, mật độ lưu hành hen suyễn chiếm một tỷ lệ cao trong khu vực khoảng 5% dân số. Trong khi đó, trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 13 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn lên đến gần 30% (cao nhất châu Á)và đang tiếp tục gia tăng.
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trẻ bị hen suyễn thường có biểu hiện ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên là do sự co thắt đường thở trong lồng ngựctrẻ.
Bác sĩ Huyên cho biết thời gian mà trẻ thường lên cơn hen trong năm là từ tháng 7 đến tháng 11, đỉnh điểm là tháng 10 và tháng 11. Đây là giai đoạn chuyển mùa và nếu thời tiết có thêm yếu tố bão, áp thấp nhiệt đới thì số lượng trẻ bị bệnh sẽ tăng lên do dễ bị nhiễm siêu vi.
Bên cạnh đó những người thân trong gia đình mắc các chứng bệnh như: cảm cúm, ho, sổ mũi, nhiễm lạnh… hay tác động của các yếu tố khởi phát khác như: mùi nặng, khói thuốc, lông thú, phấn hoa, thuốc Aspirin… cũng khiến chotrẻ dễ lên cơn henhơn.
“Các dấu hiệu bệnh hen ở trẻ cần được theo dõi kỹ, không nên xem thường các triệu chứng đơn giản như ho, khò khè. Đặc biệt trong 2 - 3 năm đầu đời, nếu trẻ ho, khò khè, khó thở lặp lại nhiều lần vào thời tiết chuyển mùa thì các phụ huynh không nên thờ ơ, mà nên đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ trẻ có mắc bệnh hen hay không”, bác sĩ Huyên khuyến cáo.
Bác sĩ Huyên cho rằng việc phòng ngừa hen lý tưởng nhất chính là tránh được các yếu tố khởi phát. Ngày nay với sự phát triển của khoa học và đặc biệt theo sự hướng dẫn của GINA (Quản lý hen toàn cầu) thì phòng ngừa hen bằng cách dùng hoặc không dùng thuốc. Khi dùng thuốc thì phải tuân thủ đúng, đều và cho bé tái khám định kỳ.
“Sử dụng thuốc ho khi trẻ lên cơn hen suyễn là sai lầmcủa các bậc phụ huynh. Trẻ lên cơn hen suyễn là do co thắt đường thở trong lồng ngực gây ra tình trạng ho, khò khè... nên phải sử dụng thuốc dãn phế quản nhằm mở đường thở ra, giúp trẻ vượt qua được cơn hen cấp tính, chứ không phải dùng thuốc ho để khống chế trẻ ho”, bác sĩ Huyên nói.
Ngoài ra, bác sĩ Huyên cũng chỉ ra một số sai lầm khác trong việc điều trị hen suyễn của các phụ huynh là không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ, quá lo sợ các tác dụng phụ của thuốc nên không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn.
Mặt khác, khi trẻ vào cơn hen cấp các bậc phụ huynh không có đủ khả năng xử lý đúng tình huống hoặc xử lýtheo một số biện pháp dân gian như: uống thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống… Những biện pháp này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có khả năng điều trị khỏi bệnh hen suyễn.
“Để cung cấp thêm thông tin giúp cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn bệnh lý hen và cách thức giảm ho mà vẫn an toàn cho trẻ chúng tôi sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề “thuốc ho và bệnh lý hen suyễn trẻ em” tại Bệnh viện Đại học Y dược TP vào ngày 27.11 tới”, bác sĩ Huyên cho hay.
Hồ Quang