Các biến thể không chỉ phát triển tiến hóa so với chủng ban đầu mà còn có thể tiến hóa rẽ nhánh, tạo ra thêm chủng mới
Hiện WHO đã ghi nhận 11 biến chủng COVID-19 trong đó có 4 chủng đáng lưu tâm là Alpha, Beta, Gama và Delta. Còn có 7 biến chủng khác được quan tâm ở mức thấp hơn là Epsilon, Zeta, Eta, Theta, Iota, Kappa, Lambda.
Tuy nhiên, các biến thể không chỉ phát triển tiến hóa so với chủng ban đầu mà còn có thể tiến hóa rẽ nhánh, tạo ra thêm chủng mới lây lan nhanh hơn, độc lực cao hơn. Chẳng hạn biến thể Gamma đang hoành hành ở Nam Mỹ, vốn "nhờn" vắc xin của Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu tiến hóa thành những biến thể mới.
"Ở bang Amazonas chúng tôi đang có biến thể P.1 lưu hành. Vấn đề là nó đang tiến hóa. Chúng ta đang nói về sự xuất hiện của ba phân loài phụ", - nhà vi rút học Felipe Naveco cho biết.
Theo ông, 3 phân loài vừa nêu sẽ dần lan rộng ra khắp cả nước Brazil. Ngoài ra, nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại rằng chúng có thể bền vững nhiều hơn chủng "Gamma" ban đầu.
Nhà vi rút học cũng lưu ý rằng một trong những phân loài tương tự như biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao, nhưng ông nhận thấy rất khó để nói chính xác các biến thể coronavirus mới sẽ hoạt động như thế nào.
Riêng chủng Delta đang rình rập đe dọa nhấn chìm nỗ lực phòng chống COVID-19 của thế giới cũng đang có những tiến hóa phân nhánh. Ngày 22.6, Bộ Y tế Ấn Độ phát đi cảnh báo rằng biến chủng Delta Plus đã trở thành “biến chủng đáng lo ngại” ở nước này.
Biến chủng Delta Plus chính là biến chủng Delta có thêm một đột biến bổ sung được gọi là K417N. Delta Plus chia thành ít nhất 2 nhóm: Delta-AY.1 và Delta AY.2. Hiện nay, theo các nhà khoa học thì Delta AY.1 dường như phổ biến nhất.
Liên minh giải trình tự gien của Ấn Độ đã phân loại biến chủng Delta Plus là một dạng biến chủng đáng lo ngại sau khi ghi nhận 22 trường hợp mắc biến chủng này ở 3 bang là Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh.
Được biết biến chủng Delta Plus có khả năng lây lan nhanh, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng với điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Trong khi đó, những chủng trước đây ít được quan tâm như Lambda cũng được đánh giá nguy hiểm hơn so với ban đầu. Một số nghiên cứu cho thấy Lambda được cho là sẽ lây lan nhanh hơn so với các biến thể ban đầu của COVID-19, nhưng các nhà nghiên cứu đã nói rằng cần phải có các nghiên cứu sâu hơn để xác định chắc chắn thực tế. Hiệu quả của vắc xin COVID-19 cũng được báo cáo là giảm tính hiệu quả với biến thể Lambda, nhưng các nhà nghiên cứu yêu cầu nhiều nghiên cứu hơn.
Điều đáng nói nơi các biến thể như Gamma hay Lambda hoành hành ở Nam Mỹ lại là những nơi chủ yếu dự dụng vắc xin của Trung Quốc. Đây chính là điều mà người Trung Quốc cần lưu tâm vì đất nước hơn tỷ dân này chủ yếu tiêm phòng cho dân bằng vắc xin tự sản xuất trong nước. Không rõ việc tiêm chủng như vậy có chống lại được biến thể Gamma hay Lambda hay không.
Trong động thái mới nhất, Singapore thông báo người tiêm vắc xin COVID-19 của Sinovac (Trung Quốc) không được liệt vào tổng số người đã tiêm vắc xin COVID-19.