Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trên địa bàn Hà Nội có hơn 4.100 ca F0 đang điều trị, trong đó 385 ca đang bị nặng, nguy kịch.

Các ca F0 tăng cao, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin tại nhà cho người nguy cơ cao

Dạ Thảo - Ảnh: Lê Khanh | 07/01/2022, 11:00

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trên địa bàn Hà Nội có hơn 4.100 ca F0 đang điều trị, trong đó 385 ca đang bị nặng, nguy kịch.

Hiện nay, Hà Nội vẫn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất cả nước, nhiều quận, phường ở thủ đô đã chủ động triển khai các đội tiêm lưu động đến tiêm vắc xin ngay tại nhà cho người dân để thực hiện giảm số bệnh nhân tử vong trên địa bàn.

Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị gần 19.000 túi thuốc C (gồm cả thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị COVID-19 thể nhẹ) và giao cho các quận, huyện triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân thành phố. Đặc biệt tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người dân có bệnh nền và trên 50 tuổi. 

Ghi nhận tại các phường Ngọc Khánh, Cống Vị (Q.Ba Đình), các nhân viên y tế đã lập danh sách những người già yếu, bệnh tật không thể đi đến được điểm tiêm chung của quận. Quận hiện có 850 trường hợp không thể đến được điểm tiêm nên các nhân viên y tế đã đến tận nhà để tiêm cho dân. Quận đã phân công lực lượng hỗ trợ, UBND các phường cử cán bộ cơ sở tham gia tổ tiêm chủng tại nhà. Một tổ tiêm chủng tại nhà của trạm y tế phường Ngọc Khánh gồm 5 - 6 thành viên, bao gồm các bác sĩ, y tá và cả công an, đến tận nhà để vận động, tư vấn và tiêm vắc xin phòng COVID-19.

tiem-tai-nha-bia.jpg
Quận Ba Đình, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin tại nhà cho người dân có nguy cơ cao

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thùy Dương 75 tuổi, cho biết bà bị tai biến nên không di chuyển được. Nhờ tổ tiêm chủng mà hôm nay bà đã được tiêm mũi 3 bổ sung. Bên cạnh đấy, có nhiều trường hợp người già có hàng loạt bệnh nền như gút, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, sưng chân không đi được... dù rất muốn tiêm nhưng gia đình không dám đưa đi cũng được tổ tiêm chủng đến vận động và tiêm ngay tại nhà. Khi các y bác sĩ đến tận nhà thăm khám và tiêm vắc xin, các gia đình vô cùng cảm động về sự chăm sóc tận tình của các lực lượng y tế.

Trong trong ngày 7.1, Sở Y tế ban hành công văn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo hướng dẫn mới này, việc phân luồng điều trị với người bệnh COVID-19 được chia thành 4 yếu tố nguy cơ:

Nguy cơ thấp: Tuổi 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc xin, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên. Những trường hợp này được điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện (tầng 1). Ngoài ra, tuổi trên 3 tháng và đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc xin, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% điều trị tại nhà (tầng 1).

Nguy cơ trung bình: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định; tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vắc xin; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như: Sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thành phố.

Nguy cơ cao: Mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi; SpO2 từ 90 - 96% điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2, hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối với bệnh nhân sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.

Nguy cơ rất cao: Với trường hợp có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90% điều trị tại các bệnh viện tầng 3: Các bệnh viện đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây, và Bệnh viện Phụ sản đối với bệnh nhân sản khoa, hoặc điều trị tại bệnh viện trung ương, bộ, ngành. Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt, cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là các bệnh viện: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Sơn Tây, Mê Linh; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 dựa trên hai nguyên tắc: Một là, người bệnh COVID-19 được phân luồng, quản lý, điều trị tại nhà, các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tập trung tuyến quận/huyện, tuyến thành phố và tại các bệnh viện theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Hai là, các cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm của người bệnh COVID-19 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly; tập trung điều trị người bệnh nhẹ và không triệu chứng tại các cơ sở thu dung, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ; ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, tầng 3.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến tối 6.1, hiện thành phố có hơn 37.500 F0 đang điều trị, trong đó có khoảng 27.000 F0 theo dõi, điều trị tại nhà. Hơn 5.256 người điều trị tại cơ sở thu dung quận huyện, có 1.514 người điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố; 2.647 người điều trị tại các bệnh viện trực thuộc ngành y tế thủ đô; 123 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và 215 người điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. “Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, việc phân luồng tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”, Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các ca F0 tăng cao, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin tại nhà cho người nguy cơ cao