Tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm do áp lực về chi phí sinh hoạt, giáo dục và nhà ở đắt đỏ.

Các gia đình nông thôn ở Trung Quốc không còn muốn sinh nhiều con

Đan Thùy | 14/11/2021, 11:00

Tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm do áp lực về chi phí sinh hoạt, giáo dục và nhà ở đắt đỏ.

Liang Du sinh ra ở một ngôi làng vùng núi hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) vào năm 1979. Anh là con thứ 7 trong gia đình và cũng là con trai duy nhất. Vào thời điểm đó, một gia đình nông thôn càng có nhiều con, đặc biệt là nhiều con trai, thì người ta nghĩ rằng gia đình đó sẽ nhận được nhiều phước lành. Song 4 thập kỷ đã trôi qua và quan điểm về việc có nhiều con tại Trung Quốc đã dần thay đổi.

Những người cháu trai đã trưởng thành của Liang đều đã rời nông thôn đến các thành phố hoặc các khu đô thị lớn để sinh sống. Họ cũng đã lập gia đình nhưng vì chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng cao nên tất cả đều chọn giải pháp sinh ít con. 4 người trong số đó sinh hai con và những người còn lại chỉ sinh một.

“Ngày nay, chi phí kết hôn và sinh con cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của những người trẻ tuổi, dù ở nông thôn hay thành thị. Nếu các gia đình muốn sinh thêm con, họ phải tìm việc làm trên các thành phố lớn và để con cái ở lại quê nhà. Hầu hết những đứa trẻ đó đều bị cha mẹ bỏ lại và họ không muốn con cái mình phải chịu những trải nghiệm tương tự”, Liang cho biết khi nói đến những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại những vùng nông thôn để đi tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc.

anh-chup-man-hinh-2021-11-14-luc-10.10.18.png
Trước đây, người  dân ở các vùng nông thôn tại Trung Quốc thường cho rằng việc sinh nhiều con là một điều tốt - Ảnh: SCMP

Câu chuyện của gia đình anh Liang cũng mang đến cái nhìn sơ lược về sự thay đổi nhân khẩu học tại Trung Quốc. Vào cuối những năm 1970, 17% dân số Trung Quốc sống ở các khu vực thành phố với tỷ lệ sinh khoảng 3 trẻ em/phụ nữ. Ngày nay, hơn 60% dân số nước này sống ở các thành phố và tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,3 trẻ em/phụ nữ.

Đối với một thế hệ lao động nhập cư nông thôn đi làm thuê với các công việc như công nhân tại các nhà máy hoặc giúp việc cho các gia đình trên thành phố thì chi phí sinh hoạt đang trở nên vô cùng đắt đỏ so với ngày trước rất nhiều.

Kết quả của cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố vào tháng 5, phần lớn đã đưa ra các vấn đề về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà quốc gia này đang phải đối mặt. Trong khi dân số tăng vào năm ngoái, tỷ lệ sinh đã giảm trong năm thứ 4 liên tiếp, từ 18 triệu vào năm 2016 xuống còn 12 triệu.

Kết quả xác nhận cảnh báo của các nhà nhân khẩu học về dân số già và lực lượng lao động đang dần bị thu hẹp. Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động, hệ thống lương hưu và đe dọa mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng của chính phủ trong tương lai.

Sau cuộc điều tra dân số, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã sửa đổi chính sách sinh hai con và cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh tối đa 3 con. Nhưng các cuộc khảo sát và quan sát gần đây trên thực địa không cho thấy chính sách này đang tạo ra nhiều sự khác biệt.

Ngay cả trước khi sửa đổi chính sách, các gia đình nông thôn đã được phép sinh hai con nếu đứa đầu là con gái. Người dân tộc thiểu số cũng được phép sinh thêm con, khiến một số người gọi đó là chính sách “một con rưỡi”. Các cặp vợ chồng thành thị cũng được phép sinh con thứ hai nếu cha mẹ đều là con một.

Vào tháng 6 và tháng 7 năm nay, chính quyền tại một số tỉnh ở Trung Quốc đã tiến hành các nghiên cứu về hôn nhân và sinh đẻ của những gia đình nông thôn trẻ tuổi từ 18 đến 35.

Tại thành phố phía bắc Thanh Đảo, các nhà chức trách phát hiện khoảng 58,43% thanh niên đã kết hôn hoặc ly hôn ở vùng nông thôn đã có một con, 29,78% có hai con, 11,8% không có con và chỉ có 1% có 3 con trở lên.

Ở các vùng nông ở phía đông nam tỉnh Ninh Ba, chỉ có 0,89% thanh niên có từ 3 con trở lên trong khi 62,5% có một con.

Tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, 11,8% thanh niên có hộ khẩu nông thôn cho biết họ muốn sinh 3 con. Con số này là 10,2% ở thành phố Kim Hoa thuộc tỉnh Chiết Giang và 11,2% ở Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông. Người ta cho rằng ý định có con thường thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sinh thực tế.

83d89140-443b-11ec-b9bb-5bc84a21bb41_image_hires_141143.jpeg
Để có thu nhập ổn định, nhiều người ở nông thôn phải tìm việc lại trên thành phố - Ảnh: Internet

Giấy đăng ký hộ khẩu là thứ mà tất cả người dân Trung Quốc phải có để tiếp cận các dịch vụ công dựa trên nơi sinh của chủ sở hữu. Người lao động nhập cư vẫn phải giữ nguyên hộ khẩu đã đăng ký tại quê nhà, điều này có nghĩa là họ sẽ có rất ít quyền lợi từ các dịch vụ công ở bất kỳ thành phố nào mà họ đến để làm việc.

Theo Huang Wenzheng, một nhà nhân khẩu học đã nghiên cứu nhiều về tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh ở những người trẻ tuổi ở nông thôn đang giảm nhanh chóng, thậm chí còn nhiều hơn so với những người thành phố.

Trước đây, tỷ lệ sinh cao ở khu vực nông thôn có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp ở thành phố nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Khi đất nước phát triển, nhiều thanh niên nông thôn tại Trung Quốc muốn lên thành phố để sinh sống song nơi đây họ phải đối mặt với những áp lực tương tự như người ở thành phố.

“Ngay cả ở các vùng nông thôn, nơi mức độ sẵn sàng sinh con tương đối cao nhưng vẫn thấp hơn so với tại Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Huang Wenzheng nói.

Chi phí giáo dục cũng ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là khi nhiều trường học ở vùng nông thôn đang trên đà phải đóng cửa do dân số ngày càng giảm. Điều này bắt buộc các bậc cha mẹ ở nông thôn phải gửi con đi học ở thành phố, làm tăng chi phí học hành và gây ra một trở ngại khác trong việc sinh con.

Một vấn đề khác cũng tạo nên sự tác động đó là hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc cho dù Bắc Kinh trong những năm gần đây đã giảm thiểu mối liên hệ giữa tình trạng hộ khẩu và khả năng tiếp cận các dịch vụ công.

Theo số liệu chính thức, trong gần 64% người Trung Quốc sống ở nông thôn và thành phố vào năm ngoái thì chỉ có 45,4% có hộ khẩu ở thành phố. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người Trung Quốc sống ở các thành phố không được tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ công, bao gồm hệ thống giáo dục và điều này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong số 249 triệu lao động nhập cư tại Trung Quốc.

Mandy Zhou, người điều hành một trường mẫu giáo tư ở một huyện miền núi tại tỉnh Giang Tây cho biết: “Ở đây các trường mẫu giáo công lập thu phí 6.000 nhân dân tệ (939 USD)/năm, các trường mẫu giáo tư nhân thu phí khoảng 10.000 nhân dân tệ/năm và giá bất động sản tại địa phương khoảng 6.000 nhân dân tệ/m2. Trong khi những người trẻ tại địa phương thường kiếm được khoảng 2.000 – 3.000 nhân dân tệ hàng tháng. Rất ít người trẻ, đặc biệt là phụ nữ sẵn sàng sống tại quê nhà với con cái của họ”.

Thế hệ lao động nhập cư lớn tuổi đã ngoài 40, 50 tuổi từ thành phố trở về nông thôn số với số tiền dành dụm được để lập gia đình và nuôi dạy con cái. Đối với thế hệ này, chi phí kết hôn và sinh con dựa trên mức sống nông thôn là tương đối thấp.

china_population_explains_web_plain-igblie.jpeg
Dân số Trung Quốc đang ngày càng già hóa - Ảnh: SCMP

Tan Biao, một công nhân nhập cư và là mẹ của hai đứa con tại vùng nông thôn Renhua, tỉnh Quảng Đông cho biết: “Tôi và chồng làm việc ở Đông Quan và để lại các con sống với ông bà nội ở quê. Chúng tôi tiêu tốn khoảng 35.000 nhân dân tệ mỗi năm để nuôi chúng. Tôi cảm thấy tội lỗi vì không thể chăm sóc chúng. Nhưng nếu đưa chúng lên thành phố ở cùng, chúng tôi sẽ phải cho chúng đi học ở các trường tư thục và phải thuê một căn hộ lớn hơn. Điều này sẽ khiến chi phí sinh hoạt tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần”.

Theo Huang, một vấn đề lớn là các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang tụt hậu so với nhu cầu cấp thiết. “Đối với các quan chức địa phương, khuyến khích tăng dân số ít quan trọng hơn nhiều so với các chính sách để ngăn chặn đại dịch COVID-19 và lượng khí thải carbon”, Huang nói thêm.

Trong tương lai, dân số nông thôn của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong khi vấn đề về dân số già hóa đang ngày trở nên nghiêm trọng hơn. “Hầu hết các cặp vợ chồng ở độ tuổi 20 sẽ chọn không sinh con nếu họ ở lại quê nhà và chỉ có hộ khẩu tại vùng nông thôn”, Huang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các gia đình nông thôn ở Trung Quốc không còn muốn sinh nhiều con