Một nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Cardiff cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ nhất về “gien di cư” ở loài chim.
Các nhà khoa học đã xác định được một gien duy nhất liên quan đến việc di cư ở chim cắt lớn (falco peregrinus hay còn gọi là peregrine) bằng cách theo dõi chúng qua vệ tinh kết hợp với giải trình tự bộ gien.
Nhóm nghiên cứu nói rằng phát hiện của họ cung cấp thêm bằng chứng về việc di truyền đóng vai trò quan trọng trong khoảng cách của các tuyến đường di cư của chim cắt lớn. Nghiên cứu mới cũng xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với việc di cư của loài này.
Các nhà khoa học đã gắn thẻ 56 con chim cắt lớn Bắc Cực, theo dõi hành trình của chúng bằng vệ tinh, xác định chi tiết khoảng cách và hướng bay hàng năm của chúng. Họ phát hiện ra rằng những con chim này đã sử dụng 5 tuyến đường di cư trên khắp lục địa Á - Âu. Theo họ, những tuyến đường này có thể được thiết lập giữa thời kỳ băng hà cuối cùng cách đây 22.000 năm và giữa thế Holocen 6.000 năm trước.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng toàn bộ trình tự bộ gien và tìm thấy gien ADCY8 (liên quan đến trí nhớ dài hạn ở các động vật khác) có ảnh hưởng đến sự khác biệt về khoảng cách di cư. Họ nhận thấy ADCY8 có một biến thể xuất hiện với tần suất cao trong quần thể di cư đường dài của chim cắt lớn. Điều này cho thấy biến thể này đang được ưu tiên lựa chọn vì nó giúp tăng trí nhớ dài hạn vốn rất cần thiết cho việc di cư đường dài.
Giáo sư Mike Bruford, nhà sinh thái học phân tử của Đại học Cardiff, cho biết: “Các nghiên cứu trước đây đã xác định một số vùng gien có thể điều chỉnh sự di cư, nhưng dự án của chúng tôi là minh chứng rõ ràng nhất về một gien cụ thể liên quan với hành vi di cư của động vật”.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét các mô phỏng về hành vi di cư có thể xảy ra trong tương lai để dự đoán tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nếu khí hậu ấm lên ở mức tương tự như trong những thập kỷ gần đây, họ dự đoán chim cắt lớn ở phía tây lục địa Á - Âu có xác suất suy giảm dân số cao và có thể ngừng di cư hoàn toàn.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi có thể kết hợp chuyển động của động vật và dữ liệu bộ gien để xác định rằng biến đổi khí hậu có vai trò chính trong việc hình thành và duy trì các mô hình di cư của chim cắt lớn”, giáo sư Bruford nhận định.
Giáo sư Xiangjiang Zhan thuộc Đại học Cardiff (trụ sở tại Viện Khoa học Trung Quốc), nói: “Nghiên cứu của chúng tôi là dự án đầu tiên bắt đầu tìm hiểu cách các yếu tố sinh thái và tiến hóa có thể tương tác ở các loài chim di cư. Hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ là nền tảng để giúp bảo tồn các loài di cư trên thế giới”.