Đức có thể kiên quyết phản đối ngân sách EU “nở” ra, nhưng họ rất muốn EU có nhiều quyền lực hơn đối với ngân sách quốc gia của các nước thành viên eurozone.

Cách của người Đức (kỳ 5): Nhân tố chủ chốt của EU trong tương lai

08/10/2018, 09:30

Đức có thể kiên quyết phản đối ngân sách EU “nở” ra, nhưng họ rất muốn EU có nhiều quyền lực hơn đối với ngân sách quốc gia của các nước thành viên eurozone.

Đức chi phối mạnh đến EU - Ảnh: Internet

Cách của người Đức kỳ 1: Angela Merkel - Một cá tính Đức

Cách của người Đức kỳ 2: Bí mật động cơ đốt trong của nền kinh tế Đức

Cách của người Đức kỳ 3: Đức - Vùng đất không quá khứ

Cách của người Đức kỳ 4: Bá chủ bất đắc dĩ của EU

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho rằng nên trao cho Ủy ban châu Âu quyền lực áp đặt Hiệp ước Tài chính – cũng giống quyền lực của họ khi triển khai luật cạnh tranh. Điều này có nghĩa là nếu không được Ủy ban châu Âu thông qua, ngân sách một nước không thể có hiệu lực.

Muốn ý tưởng của ông Schäuble thành hiện thực, cần phải sửa một trong những hiệp ước hiện hành của EU: hoặc chính Hiệp ước EU, hoặc Hiệp ước Tài chính (với giả thiết là hai hiệp ước này vẫn tách bạch sau khi Anh ra đi). Các đối tác của Đức có vẻ không hứng thú lắm. Bất mãn chính trị đã râm ran trước việc một chính phủ dân cử lại phải chờ Ủy ban châu Âu có ý kiến về ngân sách của mình. Năm 2012, trước khi Hiệp ước Tài chính được thực thi, Bộ trưởng về các vấn đề xã hội của Bỉ, bà Laurette Onkelinx, đã hỏi: “Ai là Olli Rehn[1]?” khi ngân sách nước bà vấp phải những chỉ trích từ Ủy ban châu Âu. Bà yêu cầu được biết vì sao một ủy viên về các vấn đề kinh tế không qua bầu cử lại có quyền phán xét quyết định của một chính phủ quốc gia (với một nghị viện quốc gia đứng phía sau).

Tuy nhiên, đó chính xác là lô-gic hoạt động của đồng tiền chung. Một năm sau đó, khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici đến trụ sở của Ủy ban châu Âu để nộp bản dự thảo ngân sách cho năm tiếp theo của Pháp, ông Olli Rehn bình luận: “đây chính là tinh thần quản trị cấp châu Âu thật sự”.

Tuy có lô-gic riêng, song ý tưởng cho Ủy ban châu Âu thêm quyền để can thiệp vào việc hoạch định ngân sách của các chính phủ và nghị viện quốc gia không nhận được hưởng ứng từ công luận. Ở một số nước thành viên, muốn chỉnh sửa Hiệp ước EU phải tổ chức trưng cầu dân ý.

Còn chưa rõ việc chỉnh sửa Hiệp ước Tài chính có cần yêu cầu về mặt hiến pháp tương tự hay không. Tuy nhiên, các nước như Pháp và Hà Lan (cử tri hai nước đều bác bỏ Hiệp ước Hiến pháp trong cuộc trưng cầu năm 2005) sẽ hứng chịu áp lực chính trị khổng lồ. Ít có chính phủ nào dám liều lĩnh bất chấp dư luận hay cứ nhắm mắt nghe theo ý họ. Bài học từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã gây ra một tác động khủng khiếp. Do đó, trong vòng 20 năm nữa, EU có thể vẫn không có thêm quyền lực gì so với hiện nay.

Liệu những quyền lực hiện hành có đủ sức giữ đồng euro đi đúng hướng hay không dĩ nhiên lại là chuyện khác. Về mặt kỹ thuật thì có thể. Nếu mọi thành viên eurozone tuân thủ kỷ luật được quy định trong Hiệp ước Tài chính và kỷ luật này được thực thi thì không có lý do gì euro lại không duy trì vị thế của một đồng tiền mạnh và đáng tin cậy mà Deutschmark tạo dựng trước đây.

Cái giá trút lên xã hội vẫn sẽ khổng lồ. Những nước không có nền kinh tế cạnh tranh bằng Đức tiếp tục bị ép giảm phát và cắt giảm vay mượn cũng như chi tiêu công. Nạn thất nghiệp ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn cao.

Pháp và Ý sẽ đối mặt với những thử thách chính trị lớn. Mọi việc càng tệ hơn bởi những bất ổn xuất phát từ sự ra đi của Anh. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Đức sẽ nghĩ lại. Trong giới chính trị gia Đức có bàn luận về sự cần thiết phải khởi động lại EU sau khi Anh chia tay, nhưng không có gì chi tiết được biết đến. Tương tự, rõ ràng phải có những thay đổi đối với chính sách hiện hành của đồng euro. Nhiều nhà kinh tế học, ví dụ như Ngài King [2], cựu thống đốc Ngân hàng Anh, dự báo nếu không thay đổi thì euro sớm muộn cũng sụp đổ. Có thể họ sai (các nhà kinh tế học thường thế) nhưng chính phủ Đức cũng không có ý định xử lý vấn đề này.

Đức không hề có bất cứ động thái xoa dịu nào đối với những nước thành viên chịu hậu quả từ các chính sách mà họ kiên quyết thực thi. Hàm ý của Đức là chính phủ các nước kia phải lập lại trật tự trong nước; Đức không nhận bất kỳ trách nhiệm nào. Dĩ nhiên Đức có công luận riêng và họ không cho phép chính phủ mình lập lờ. Dù vậy, trong quan điểm của Đức vẫn có điều bất nhất. Nếu Đức ủng hộ một liên bang EU lỏng lẻo thì chuyện họ rũ bỏ trách nhiệm tài chính chung là hết sức bình thường. Đằng này họ lại chủ trương EU đi theo hướng liên minh chính trị nên quan điểm về trách nhiệm tài chính nêu trên trở nên khó hài hòa.

trích Cách của người Đức
[1] Olli Rehn: sinh năm 1962, là bộ trưởng các vấn đề kinh tế của Phần Lan (2015 – 2016), Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế, tiền tệ và đồng euro (2009 – 2014…).

[2] Mervyn Allister King: sinh năm 1948, nhà kinh tế học người Anh, từng làm thống đốc Ngân hàng Anh từ năm 2003 – 2013.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách của người Đức (kỳ 5): Nhân tố chủ chốt của EU trong tương lai