Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao).
Không hồi tố những phải chặt chẽ
Theo đó, để sớm khắc phục khoảng trống pháp lý trong đầu tư theo hình thức BT, Thường trực Chính phủ chỉ đạo đối với dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn chỉnh lại theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký hợp đồng BT trước ngày 1.1.2018.
“Không hồi tố nhưng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư dự án BT (nếu có)”, văn bản nêu.
Theo đó, yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ làm rõ tính pháp lý, nội dung và hình thức văn hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.12.2018.
Đối với dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.1.2019.
Mục đích là "đất vàng"
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, công ty Luật SB Law cho biết với dự án BT, nhà đầu tư sau khi xây dựng xong, công trình sẽ được nhà nước (Bộ, địa phương) thanh toán dưới dạng tiền trái phiếu hoặc quỹ đất do hai bên thống nhất, lựa chọn và định giá theo hợp đồng. Về bản chất, BT là cam kết Nhà nước “mua” dự án BT bằng tiền ngân sách hoặc nguồn thu cho NSNN.
Theo ông Hà, trên thực tế, BT có thể mang lại rủi ro cho nhà đầu tư khi phải ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng không tính lãi và làm báo cáo tiền khả thi, khả thi... Nếu dự án không được cấp thẩm quyền thông qua thì nhà đầu tư không được bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, dự án BT lại có nhiều điều khác hấp dẫn các nhà đầu tư, tiếc rằng đây cũng chính là những kẽ hở đáng quan ngại của quá trình quản lý nhà nước đối với dự án.
“Hợp đồng BT do nhà đầu tư thực hiện nên họ có thể chủ động lựa chọn nhà thầu, đồng thời quá trình thi công thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, vì thế, có thể dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Thực tế một số công trình BT đã hoàn thành tại Hà Nội những năm trước, như dự án Cung Tri thức Thành phố, Bảo tàng Hà Nội, … chỉ đưa vào vận hành không lâu đã xuất hiện nhiều hư hỏng”, ông Hà nói.
Luật sư này cho rằng mục đích nhà đầu tư nhắm đến khi tham gia dự án BT là dự án hoàn vốn, là những khu đất có giá trị. Nhiều khu đất vàng đáng lẽ phải qua đấu giá, nhưng bằng việc đề xuất dự án BT và đa số sau đó được chỉ định thực hiện, nhà đầu tư đã dễ dàng có được.
“Chính vì nhắm đến quỹ đất, trong khi tại các đô thị lớn "tấc đất tấc vàng", nên không ít nhà đầu tư đã dùng nhiều chiêu tinh vi thổi giá công trình BT để có thể đổi lấy nhiều diện tích hơn. Rõ ràng, thất thoát trong các dự án BT nếu xảy ra sẽ vô cùng lớn, bởi hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư rất cao”, ông Hà nói.
Muốn đầu tư nhiều cho hạ tầng nhưng ngân sách thiếu
Nói về BT, luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên công ty luật NHQuang và Cộng sự, cũng là trọng tài viên VIAC cho rằng về mặt chính sách, Việt Nam đang tập trung quá lớn các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chiếm tới 5,7% GDP, vào mức cao nhất Đông Nam Á. Trong khi các cấp các ngành vẫn muốn đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu nguồn vốn ngân sách, thì liệu có phương cách nào khác nếu không bám lấy và tiếp tục níu kéo loại hình BT?
“Đơn giản là loại hình đầu tư này rất tiện lợi cho nhiều phía: Chính quyền phê duyệt nhanh vì coi đó là nguồn vốn xã hội hoá lại giúp có điểm cộng về thành tích GDP; ngân hàng cho vay yên tâm có ngay tài sản an toàn để bảo đảm; chủ đầu tư thì dễ kiếm lời bằng đầu cơ đất và ngay cả người dân nói chung, trừ đối tượng bị tác động trực tiếp do thu hồi đất, cũng hoan nghênh khi thấy bộ mặt địa phương thay đổi tích cực”, ông Lập nói.
Còn các hậu quả tiêu cực như thất thoát tài sản nhà nước và hiệu quả đầu tư kém hay thiếu giá trị lan toả, ông Lập cho rằng điều này chỉ mang tính gián tiếp và sau đó thì nhiệm kỳ của cấp lãnh đạo phê duyệt dự án đã qua rồi.
“Tôi muốn nói rằng, nếu cái động cơ của chính sách phát triển theo hướng này không thay đổi thì quả thật khó có cách nào khác để chúng ta tạm biệt hay thậm chí hạn chế các dự án BT. “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” vốn đã từng và vẫn luôn luôn là giải pháp tình thế chứ không dựa trên cơ sở lý luận nào”, ông Lập nói.
Ông Lập cũng đề cập đến tình trạng các chủ đầu tư BT sử dụng cơ chế “lấy mỡ nó rán nó”, tức sử dụng quyền sử dụng đất được cấp để thế chấp vay vốn, sau đó lại tìm cách sử dụng vốn đầu tư để làm các công trình nhất định có tác dụng sẽ làm tăng giá đất ở khu vực có dự án hoàn vốn của mình đã được phê duyệt. Như vậy là xung đột về lợi ích.
Bên cạnh đó, người dân bị thu hồi đất để làm dự án được đền bù rất thấp và họ sẽ chịu thiệt thòi trong khi chủ đầu tư lại kiếm lời lớn, như thế là không công bằng.
Do đó, chính quyền cần thực hiện cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án BT, thông qua vừa tham vấn người dân vừa giải trình đối với họ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hoà giữa cả chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng.
Lam Thanh