Việc nhiều xã, phường trên địa bàn hai thị xã Dĩ An và Thuận An (Bình Dương) đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh và ghi âm làm người dân thắc mắc, đa số ý kiến không đồng tình với việc làm này.
Có thể khẳng định rằng, việc quy định cấm quay phim, chụp ảnh và ghi âm tại trụ sở xã, phường là trái thẩm quyền, sai quy định. Theo quy định tại Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành thì trụ sở UBND xã, phường không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm ghi hình, chụp ảnh và ghi âm. Ngay tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương cũng không quy định trụ sở UBND xã, phường là khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
Có thể nói việc đặt biển cấm quay phim, chụp hình tại một số địa điểm công cộng thời gian qua bị lạm dụng, tùy tiện tràn lan, phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều khu vực là các công trình công cộng, dân sinh không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng đang thi công hoặc đã đưa vào sử dụng cũng cấm quay phim, chụp ảnh, thậm chí đến chợ cũng bị cấm quay phim, chụp ảnh!
Thực chất việc cấm quay phim, chụp ảnh có những lý do sau: Thứ nhất, một số cá nhân, tổ chức muốn che giấu hành vi sai trái, việc làm khuất tất nào đó nên cấm để phòng ngừa, ngăn chặn bị phanh phui, phát hiện. Thứ hai, một số đơn vị, cá nhân “lo xa”, sợ trách nhiệm nên cứ cấm cho chắc, nếu có chuyện gì xảy ra thì mình né được trách nhiệm! Ngoài ra, cũng có khả năng một số cơ quan, cán bộ, công chức không nắm được quy định pháp luật nên cứ nghĩ “công sở là khu vực quan trọng” nên cấm quay phim, chụp ảnh hoặc phải có biển cấm mới… oách!
Việc tùy tiện đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh không đơn thuần là cấm… cho vui, cấm để phòng ngừa mà không ảnh hưởng đến ai như một số người vẫn nghĩ. Cấm quay phim, chụp ảnh ở những khu vực, địa điểm không thuộc đối tượng cấm sẽ gây ra một số tác hại tiêu cực cho công dân, tổ chức và xã hội.
Trước hết, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đó là khi người dân muốn lưu lại hình ảnh, âm thanh để làm chứng cứ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp có cơ quan công quyền, cán bộ công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh hoặc cư xử không đúng mức... Trụ sở xã, phường là nơi người dân thường xuyên ra vào giao dịch, giải quyết công việc thường ngày, không có gì thuộc bí mật nhà nước nên cấm là không cần thiết, vô lý.
Tiếp đó, tùy tiện đặt biển cấm sẽ đi ngược lại nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, mô hình chính quyền thân thiện với phương châm “công khai, minh bạch”, nhất là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận thông tin. Người dân có cảm giác không an tâm, thoải mái khi đến công sở để giao dịch, giải quyết công việc, thậm chí họ có quyền nghi ngờ cán bộ, công chức “nói không đi đôi với làm”… Ngoài ra, người nước ngoài, khách du lịch cũng sẽ có cảm nhận không tốt nếu đâu đâu cũng là biển cấm.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng tùy tiện, lạm quyền trong việc đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh tràn lan như hiện nay. Điều này vừa đảm bảo các khu vực cấm, địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh được bảo vệ nghiêm, đúng quy định, vừa xóa bỏ biển cấm đặt trái quy định tràn lan, gây lẫn lộn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xã hội.
ThS Luật Phạm Văn Chung
(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)