Ba tháng trở lại đây, một số người dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường An Phú (quận 2, TP.HCM) đã nhẹ gánh lo hơn rất nhiều khi được UBND phường mời đến nhận cơm 3 lần/tuần.

Cán bộ phường đi chợ, nấu cơm cho người nghèo ở Sài Gòn

Thanh Niên | 07/06/2016, 06:14

Ba tháng trở lại đây, một số người dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường An Phú (quận 2, TP.HCM) đã nhẹ gánh lo hơn rất nhiều khi được UBND phường mời đến nhận cơm 3 lần/tuần.

Đều đặn vào thứ hai, tư, sáu hàng tuần, 11 tình nguyện viên lại tập trung tại đình An Phú để cùng nhau nấu bữa cơm từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc của những tình nguyện viên thường bắt đầu từ 6 giờ sáng.

Chị Võ Thị Gái, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường đảm nhận nhiệm vụ đi chợ. Sau đó, mỗi người một việc, người nhặt rau, người thái thịt tất bật cho đến 11 giờ trưa, nhưng chẳng ai tỏ ra mệt mỏi mà ngược lại bếp ăn luôn ngập tràn tiếng cười.

Thực đơn mỗi ngày đều được viết sẵn lên tấm bảng trắng treo ở đình. Mỗi bữa cơm thường gồm 3 món là canh, xào, mặn và đầy ắp.

Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh (69 tuổi, bếp trưởng) chia sẻ: “Vì đa phần là những người lao động chân tay nên phải để cơm và đồ ăn nhiều để họ có sức khỏe, hoặc là những nhà có hoàn cảnh khó khăn thì cũng có thể chia thành hai bữa”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết, để duy trì được bếp cơm từ thiện này, tất cả cán bộ và đoàn thể của phường phải cùng nhau vận động những nơi quen biết, các mạnh thường quân đóng góp.

Chị Võ Thị Gái, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Phú đi chợ từ 6 giờ sáng để mua được thức ăn tươi nhất: "Nhắm cái gì an toàn thì mới mua ở chợ, còn nghe thông tin món nào đó dễ phun thuốc hay không an toàn thì tôi sẽ mua ở siêu thị".

Tiểu thương trong chợ đã quen với hình ảnh chị Gái đi chợ nên vừa bán vừa ủng hộ thêm vài món.

Đi chợ về đến Đình An Phú, chị Gái ghi thực đơn lên tấm bảng trắng để mọi người được biết.

Không ai nhắc ai mỗi người một việc, tất cả đều được những tình nguyện viên tuổi trên 40 làm rất nhanh chóng.

Bếp cơm luôn ngập tràn tiếng cười của những tình nguyện viên. Luôn coi nhau như chị em, thường mang rau củ hay một món thêm đến góp vào bữa cơm nghĩa tình này

Đến hơn 9 giờ, mọi người vẫn đang tất bật với công việc mà quên luôn bữa ăn sáng

Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh (69 tuổi, bếp trưởng) - người tham gia rất nhiều các hoạt động thiện nguyện của phường An Phú và quận 2 chia sẻ: "Mình không giúp của được thì giúp công. Tuy là việc đơn giản nhưng thấy rất vui"

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan (thứ hai từ trái sang) ở quận 9, làm giúp việc theo giờ nhưng vẫn tranh thủ một tuần ba buổi đến đây: "Nhiều người không có tiền ăn sáng nên tầm 9 giờ là họ đến để nhận cơm, nhưng mình chưa xong nên phải nhanh tay không nỡ để họ đợi".

Gạo và ga ở bếp cơm từ thiện được hai cơ sở tự nguyện đóng góp.

Khi vừa nấu xong, các món sẽ được lưu mẫu để phòng khi có vấn đề. Trên hình là các mẫu thức ăn của ngày 27.5: cơm trắng, canh khổ qua nấu thịt, cải bắp xào cà chua và vịt kho gừng.

Mỗi bữa bếp nấu khoảng 140 suất, trong đó 130 suất là cho những người có tên trong danh sách đã được phường xem xét hoàn cảnh, các suất còn lại dành cho những người bán vé số, lượm ve chai đi ngang qua.

Nhiều người không ăn sáng nên tới sớm để nhận cơm về ăn bữa lửng. Bà Quang Xập Dính (thứ hai từ trái sang) nói: "Khi chưa có bếp cơm nhà tôi bữa đói bữa no. Nay cũng chưa có tiền ăn sáng nên phải qua lấy sớm".

Chị Hồ Thị Thu Xuân (ngụ phường An Khánh) bán vé số quanh khu phường An Phú tâm sự rất xúc động khi được nhận cơm tại phường An Phú, nhờ vậy mà vợ chồng chị có được những bữa cơm no và bớt lo nghĩ.

Ấm lòng với bữa cơm được các tình nguyện viên chuẩn bị.

Chị áo khoác cam nhận 6 suất cơm cho cả gia đình. Theo gen di truyền của cha, tâm tính chị "khờ" hơn rất nhiều so với tuổi nên đã có 4 đứa con mà chưa có chồng, hiện tại chị đang ở cùng cha và được phường hỗ trợ nuôi 4 đứa con.

Những suất cơm này làm ấm lòng biết bao nhiêu người.

Ông Võ Văn Giàu (53 tuổi, bảo vệ dân phố) mang cơm đến tận nhà cho ông Trần Văn Tuồng (83 tuổi) đang chăm vợ bị liệt và nhiều người già có hoàn cảnh khó khăn nhưng không tới được. Ông Giàu chia sẻ: "Không cần biết khi nào đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe là tôi còn làm công tác xã hội".

Vũ Phượng/Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ phường đi chợ, nấu cơm cho người nghèo ở Sài Gòn