Trong nông nghiệp, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự gắn kết và hợp đồng chặt chẽ, thậm chí “lừa nhau” nhiều lần. Theo nhiều chuyên gia, để nền nông nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh hội nhập, cần thiết phải áp dụng “khế ước nông nghiệp”.

Cần cách trị để nông dân hết tham, doanh nghiệp hết gian, cứu nền nông nghiệp

Một Thế Giới | 10/11/2015, 05:45

Trong nông nghiệp, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự gắn kết và hợp đồng chặt chẽ, thậm chí “lừa nhau” nhiều lần. Theo nhiều chuyên gia, để nền nông nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh hội nhập, cần thiết phải áp dụng “khế ước nông nghiệp”.

“Có hợp đồng thì phải có chế tài xử lý”

Theo định nghĩa, khế ước nông nghiệp hay hợp đồng sản xuất nông nghiệp là phương thức gắn kết các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng hay còn gọi là sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Dù nhiều chuyên gia đã có ý kiến nên áp dụng công cụ này vào sản xuất nông nghiệp từ hàng chục năm nay nhưng tình hình vẫn không có nhiều cải thiện.

Sản xuất theo hợp đồng sẽ đem đến quan hệ rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên tham gia. Đây là quan hệ hợp tác cùng phát triển chứ không phải quan hệ cạnh tranh hay lợi dụng lẫn nhau. Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng cũng sẽ dễ dàng quy trách nhiệm cụ thể cho đối tượng làm ảnh hưởng đến hoạt động chung.  

Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015, ông KAKIOKA Naok - Đại diện cấp cao Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng nhận định rằng, khế ước Nông Nghiệp cần thiết đối với việc đảm bảo tính minh bạch và hiệu qủa.

Vị chuyên gia này nhận định, giới thiệu khế ước nông nghiệp tại Việt Nam sẽ là một trong những hành động cần thiết được thực hiện để tăng cường khả năng cạnh tranh của nông dân vì đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
“Góp phần nâng cao thực tiễn thương mại truyền thống trong nông nghiệp Việt Nam, điều này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân kí kết các hiệp ước với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới” – ông KAKIOKA Naok cho hay.

Tuy nhiên, phương thức hợp đồng cần phải phù hợp với điều kiện của các bên. Đối với hợp đồng giữa hợp tác xã và hộ nông dân thì hợp đồng càng đơn giản càng tốt. 

Phát triển tổ chức nghề nghiệp nông nghiệp cùng HTX

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Võ Tòng Xuân cho hay, khế ước nông nghiệp là cần thiết. Chúng ta nên căn cứ theo luật hợp đồng để tiến hành.  Như vậy, giữa nông dân và doanh nghiệp có sự liên kết để hai bên có thể bảo đảm được quyền lợi lẫn nhau.

“Trước nay cũng nhiều nơi có hợp đồng nhưng cứ mạnh ai nấy làm, không tuân theo hợp đồng. Người nông dân đôi khi kí hợp đồng nhưng khi thấy giá cao lại bán cho người khác, giá thấp thì lại bán cho doanh nghiệp kí hợp đồng với mình. Như thế là không được.” – GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Ngoài ra, GS Xuân cũng cho rằng,  doanh nghiệp thấy nông dân phá hợp đồng thì bức xúc và rình “chơi lại”. Khi giá thấp thì doanh nghiệp tìm người khác bán giá thấp hơn để mua chứ không mua của người nông dân đã kí hợp đồng. Người nông dân khi đó sẽ chịu nhiều thiệt hại.

“Cho nên, phải kí hợp đồng với nhau chặt chẽ, phải có luật hợp đồng điều chỉnh, chế tài mỗi bên. Nếu bên nào vi phạm buộc phải chịu trách nhiệm theo thỏa thuận. Khế ước phải có chính quyền địa phương tham dự, chứng kiến. Nếu bên nào không làm tròn trách nhiệm phải thực hiện đền bù cho bên còn lại” – GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng thông qua một tổ chức đại diện sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì một doanh  nghiệp rất nhiêu khê khi phải kí hợp đồng với từng hộ nông dân.

Do đó, hình thức hợp tác xã kiểu mới được đề cập như giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên,  ủng hộ ý kiến này nhưng theo ông Lê Đức Thịnh- Cục phó Cục Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN), chúng ta phải quan tâm đến phát triển Tổ chức nghề nghiệp trong nông nghiệp (APO) chứ không chỉ hợp tác xã.  

Ông Thịnh cho hay, APO là nơi tập hợp nông dân trên cơ sở tự nguyện, quản lý nông dân bởi các đại diện do chính nông dân bầu ra một cách dân chủ. APO là một nhóm người hoặc pháp nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác bảo vệ quyền lợi của họ với cơ quan công quyền và các bên thứ ba, cũng như cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho họ các thành viên. Tổ chức này không có vai trò mục tiêu chính trị hay tôn giáo

Theo ông Thịnh, Hợp tác xã là tác nhân kinh tế không thể làm mọi thứ, họ chỉ bảo vệ quyền lợi của xã viên trong phạm vi cam kết trong khi nông dân có quá nhiều rủi ro.
“Tổn thất xã hội đang tăng lên đối với nông dân nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế.  Chưa có cơ chế/giải pháp hữu hiệu bảo vệ và khuyến khích sáng kiến của nông dân. “Kiểu phát triển tuyến tính” vô tình vẫn áp được đặt lên cộng đồng” – ông Thịnh lưu ý.
Ông Thịnh nói thêm chính sách của Nhà nước chưa được thực thi nghiêm túc và hiệu quả, phụ thuộc chính quyền lực khi năng lực hợp tác xã yếu (banlace of powers). Bản thân các HTX nông nghiệp chưa đủ mạnh để tiếp cận nguồn lực/chính sách.

Hoàng Long


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần cách trị để nông dân hết tham, doanh nghiệp hết gian, cứu nền nông nghiệp