Trung Quốc hưởng lợi không nhỏ nếu thành công việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhưng song song đó, Đài Loan và nỗ lực thiết lập trật tự kinh tế dựa trên luật lệ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa.
300 ngày, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ ý định, Trung Quốc ngày 16.9 chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sáng kiến chính sách thương mại do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xướng nhằm mục đích đặt ra quy tắc thương mại thế kỷ 21 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Người kế nhiệm là Donald Trump lúc lên nắm quyền đã rút Mỹ khỏi TPP, nhưng Nhật Bản, Úc, Canada cùng nhau cứu vãn thỏa thuận, tiến hành sửa đổi một số điều khoản để cho ra đời CPTPP với 11 thành viên.
Với tư cách thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc có lý do chính đáng khi muốn gia nhập một thỏa thuận bao gồm 11 thành viên APEC khác. Về mặt kỹ thuật thì Trung Quốc sẽ không bị từ chối nếu nước này chấp nhận mọi điều khoản CPTPP.
Trên thực tế, quyết định cho phép gia nhập hay không không chỉ phụ thuộc chuyện Trung Quốc chấp nhận mọi điều khoản, mà còn cần xem xét đến niềm tin về khả năng duy trì quy tắc thương mại tự do của các thành viên hiện tại đối với Trung Quốc.
Trung Quốc có thể gặp khó trong đáp ứng điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước, quy tắc thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên quá khứ đàm phán thương mại quốc tế của Bắc Kinh - đặc biệt là tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - cho thấy nước này sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn mong đợi.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy Trung Quốc nhượng bộ và tuân thủ CPTPP. Thứ nhất, CPTPP cho phép họ tiếp cận sâu các thị trường thành viên hơn một số thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện tại như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hay FTA ký riêng với ASEAN, New Zealand, Úc. Phạm vi bao phủ của CPTPP rộng hơn, không chỉ về cắt giảm thuế quan mà còn đề cập những vấn đề thương mại thế hệ mới.
Thứ hai, Trung Quốc để mắt đến không chỉ là thị trường thành viên CPTPP hiện tại, mà cả thị trường tiềm năng tương lai, chẳng hạn Anh (quốc gia cũng rất muốn gia nhập CPTPP).
CPTPP còn đem lại lợi ích chính trị. Một FTA sâu sắc và toàn diện có cả quốc gia mà Trung Quốc đang có xung đột như Canada, Úc, Nhật sẽ tạo ra nhiều cơ chế mang tính thể chế hơn, đảm bảo duy trì quan hệ thương mại ngay cả khi quan hệ chính trị xấu đi. Ngoài ra sự gia nhập sớm sẽ trao cho Trung Quốc cơ hội ngăn không cho Đài Loan gia nhập.
Quan trọng hơn, sau RCEP, gia nhập CPTPP cho phép Trung Quốc kiểm soát thương mại châu Á - Thái Bình Dương một cách chắc chắn và gây tác động lên quy tắc thương mại khu vực. Đây là điều cựu Tổng thống Obama từng cảnh báo.
Khi Trung Quốc ngồi ở vị trí “đầu tàu” về thương mại ở khu vực, thì sự nỗ lực thiết lập trật tự kinh tế dựa trên luật lệ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ gặp trở ngại. Cán cân kinh tế khu vực cũng sẽ thay đổi đáng kể - điều rất xấu với Ấn Độ, Mỹ cùng một số quốc gia và tổ chức khác.