Dù các bộ ngành đã vào cuộc để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng trên thực tế các bệnh viện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện này.

Cần khẩn trương, nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc thiếu thuốc, vật tư y tế

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 01/03/2023, 07:21

Dù các bộ ngành đã vào cuộc để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng trên thực tế các bệnh viện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện này.

Vòng luẩn quẩn thiếu thuốc, vật tư y tế

Câu chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế trong ngành y tưởng chừng như đã được giải quyết vào cuối năm 2022 với chỉ đạo cấp bách của Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên đến thời điểm này, cuối tháng 2.2023, nhiều bệnh viện lớn trên cả nước lại đang trong tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế, thậm chí huyết thanh chống nọc độc rắn cũng hết.

Thực trạng ấy kéo dài khiến người bệnh lo lắng, dân chúng hoang mang. Việc thiếu hóa chất, vật tư y tế rất trầm trọng, đặc biệt đối với những trường hợp các bệnh nhân cấp cứu, ghép tạng, sử dụng hóa chất miễn dịch, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống. Đó là chuyện đang xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Việc thiếu vật tư và các loại thuốc đến nỗi Bệnh viện Việt Đức phải ra thông báo từ ngày 1.3 bệnh viện sẽ hạn chế các ca mổ phiên để ưu tiên vật tư, hóa chất cho việc mổ và điều trị những trường hợp cấp cứu. Nhiều người đang chăm sóc người nhà tại bệnh viện tỏ ra vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên.

GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ của bệnh viện trong vòng 1 tháng nữa sẽ hết. Có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ 1 tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường. “Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ 1 tuần tới 2 tuần nữa. Nếu không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy các bệnh việc đang cần được “cấp cứu” hơn bao giờ hết để có đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư phục vụ khám chữa bệnh. Như ông Giang cho biết, việc thiếu thuốc và vật tư y tế dù đã được các bộ ngành hay báo chí nhắc đi nhắc lại nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều vướng mắc trong quy định về mua sắm, về đấu thầu khiến việc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế thời gian qua không thể thực hiện, như: quy định về xác định giá đấu thầu; quy định về báo giá phải có của 3 nhà cung cấp (trong khi thực tế chỉ có 1 nhà cung cấp); quy định về việc dừng sử dụng máy thiết bị y tế mượn (máy đặt) khiến nhiều máy móc hiện có không thể sử dụng...

Về giải pháp khắc phục các phương án mua, thuê, liên kết để có máy móc thiết bị, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá: “Tất cả các phương án đều tắc”.

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế của các bệnh viện công lập xuất hiện từ cuối năm 2022, không chỉ các bệnh viện công lập tuyến trung ương mà ngay bệnh viện tuyến tỉnh cũng hết vật tư y tế và thuốc. Không ít trường hợp người dân có bảo hiểm y tế nhưng bệnh viện không có thuốc, vật tư để phục vụ, người bệnh phải mua bên ngoài rất tốn kém và có khi không được đúng những loại thuốc mà bệnh viện yêu cầu.

Ở một số bệnh viện, nhiều máy móc hiện đại do bệnh viên liên kết với đối tác bên ngoài để trang bị cho việc khám chữa bệnh chịu cảnh đắp chiếu. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn với bệnh viện và bệnh nhân, lãng phí với xã hội, mà còn dẫn đến những hậu quả khôn lường về tính mạng người bệnh.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho hay tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. Còn nói về quy trình để hiện nay các bệnh viện có ngay trang thiết bị hay thuốc thì cũng khó khăn bởi lẽ quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian, sau gần 1 năm mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu, phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi lên cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung. Chính vì thế số lượng vật tư y tế hay thuốc ít nhất trong những tháng sắp tới đây ở các bệnh viện sẽ gặp khó khăn để điều trị cho người bệnh.

covid-33.jpg
Các bộ ngành liên quan cần khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa để những vướng mắc được tháo gỡ, việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế không thể kéo dài thêm

Số lượng thuốc tồn kho không đủ cung ứng cho các bệnh viện

Lý giải về thực tế này, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cho biết hầu hết các mặt hàng thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia hiện nay đã đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho ít không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng những mặt hàng này, đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục và khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.

"Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên", ông Dũng thông tin.

Ông Dũng cũng cho biết về phía các nhà thầu, ngay sau khi có quyết định trúng thầu, các nhà thầu đã khẩn trương phối hợp với nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng đặt hàng với nhà sản xuất và có kế hoạch nhập hàng. Ông Dũng đưa ra nguyên nhân khách quan của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 đến 5 tháng. 

Mặt khác, sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu nên nằm ngoài dự kiến của nhà thầu. “Nhà thầu cũng cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết", ông Dũng thông tin.

Hiện chỉ có 32 hoạt chất được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia trên tổng số 1.226 hoạt chất thuộc Danh mục thuốc đấu thầu. Về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hằng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỷ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng năm 2023 cơn bão thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tiếp tục "càn quét" ở các bệnh viện, tạo ra tâm lý lo lắng và sợ hãi cho người bệnh. Thậm chí nhiều người bệnh còn mua thêm các loại thuốc nhằm "để dành" cho bản thân đề phòng thiếu thuốc ở các bệnh viện.

Bộ Y tế cho biết cả nước hiện nay có hơn 21.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực. Đến ngày 7.12.2022 Bộ Y tế đã công bố 10.304 thuốc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31.12.2022. Trong số các thuốc trên, đã bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường. Như vậy, còn hơn 9.000 giấy đăng ký thuốc hết hạn vào ngày 31.12.2022.

Năm 2023, thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực. Điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn (gần 14.000 loại thuốc), gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý. Bộ Y tế cũng nhận định nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký thuốc vẫn chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế do số lượng tồn đọng quá nhiều.

Theo báo cáo của Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia, trong số 67 mặt hàng trúng thầu, mới có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện. Có 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.

Dù đã có hàng loạt chỉ thị mới, nghị quyết để tháo gỡ việc thiếu thuốc nhưng cơn khát thuốc tại các cơ sở y tế hầu như vẫn chưa được giải đáp. Bộ Y tế cũng đã bỏ quy định “giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại” khi mua sắm thiết bị y tế. Tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ để "cơn khát vật tư y tế và thuốc chữa trị" cho người bệnh được giải tỏa. Điều này nếu không được tiến hành quyết liệt hơn nữa thì năm 2023 người bệnh tiếp tục sẽ phải mòn mỏi đợi thuốc, vật tư y tế kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.

(còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần khẩn trương, nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ vướng mắc thiếu thuốc, vật tư y tế