Vụ cá chết hàng loạt trên sông Oder chảy qua Ba Lan và Đức đã gây ra một cuộc xung đột giữa Warsaw và Berlin.
Đức và Ba Lan tháng trước thông báo đã phát hiện tảo độc trong các mẫu cá lấy từ sông Oder, sau khi tình trạng cá chết hàng loạt làm dấy lên lo ngại về thảm họa môi trường. Kể từ tháng 7, tổng cộng có gần 250 tấn cá chết đã được vớt lên từ sông Oder, con sông chảy qua cả Đức và Ba Lan.
Đã có những cáo buộc rằng một vụ tràn hóa chất đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, song cả Ba Lan và Đức phủ nhận mọi trách nhiệm. Các nhà chức trách Ba Lan hôm 29.9 đã kết luận rằng tảo độc là nguyên nhân vụ việc.
Bà Agnieszka Kolada (Viện Bảo vệ môi trường Ba Lan) cho biết nhiều yếu tố khác nhau "đã khiến chúng tôi kết luận rằng cá chết có thể do tác động độc hại của tảo nở hoa (hiện tượng quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước làm nước bị chuyển màu xanh đục, ô nhiễm do không có sự cân bằng môi trường)".
Phát biểu với phóng viên, bà Agnieszkacho tiết lộ loại vi tảo đang được đề cập - được gọi là tảo vàng - được tìm thấy ở các cửa sông, chủ yếu gần biển và "cho đến nay chúng chưa từng được phát hiện ở Ba Lan" dù chất lượng nước của sông Oder đã kém "trong nhiều năm".
Ba Lan hôm 30.9 dự kiến sẽ phát hành một báo cáo khoa học đầy đủ do chính phủ ủy quyền về hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Oder. "Cái chết của cá không phải do kim loại nặng, thuốc trừ sâu, hay các chất dầu mỏ", theo một bản tóm tắt của báo cáo.
Trong những năm qua, Oder được biết đến là con sông tương đối sạch, là nơi sinh sống của hơn 40 loài cá nội địa. Cá chết hàng loạt lần đầu tiên được phát hiện bởi những người dân địa phương sống dọc theo con đường dài 840km, những người sau đó được cảnh báo không được bơi dưới sông hoặc chạm vào cá.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cáo buộc Đức tung "tin giả" về thảm họa sau khi nước này báo cáo về lượng thuốc trừ sâu cao trong đường thủy.
"Ở Ba Lan, chất chứa thuốc trừ sâu được kiểm tra và phát hiện dưới ngưỡng cho phép không ảnh hưởng đến cá hoặc các loài khác và không có mối liên hệ nào với hiện tượng cá chết hàng loạt", bà Anna Moskwa viết trên Twitter.
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhận định rằng “một lượng lớn chất thải hóa có thể đã được đổ xuống sông Oder”. Ông Morawiecki đã thề sẽ đưa những kẻ gây án ra trước công lý. “Chúng tôi sẽ không bỏ qua vấn đề này. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi những kẻ có tội bị trừng phạt nghiêm khắc”, ông nói. Ba Lan đã treo thưởng 1 triệu zloty (220.200 USD) cho bất kỳ thông tin nào về những người gây ra “thảm họa môi trường lớn nhất của quốc gia trong nhiều năm”.
Piotr Nieznanski, giám đốc chính sách bảo tồn tại Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) chi nhánh Ba Lan, cũng đã suy đoán rằng một loại hóa chất độc hại đã được công nghiệp thải vào nước sông Oder.
Truyền thông Ba Lan cũng cho biết có một số "dấu hiệu" cho thấy một số chất độc hại đã được đổ vào sông Oder gần thành phố Wroclaw ở miền Nam Ba Lan vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ con đường chính xác được tìm thấy của nó là gì hoặc thủ phạm có thể là ai.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Môi trường Đức Andreas Kuebler cho biết chính phủ Đức "ngạc nhiên và đau buồn trước việc Warsaw cho rằng Đức đang lan truyền" tin giả. "Không ai ở Đức từng tuyên bố rằng thuốc trừ sâu là nguyên nhân duy nhất gây ra cái chết của cá”, ông Kuebler nói và cáo buộc Bộ Môi trường Ba Lan đang đổ lỗi trách nhiệm cho Đức.
Kuebler tuyên bố nguyên nhân của việc cá chết rất phức tạp và nói thêm rằng Đức chưa bao giờ cho rằng chỉ có thuốc trừ sâu là nguyên nhân. Theo ông, sự phát triển ồ ạt của tảo độc trong nước lợ có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Viện dẫn kết quả thí nghiệm từ Viện Leibniz (Đức) và Đại học Vienna (Áo), ông Kuebler nhận định sự hình thành loại tảo độc này không hoàn toàn là “hiện tượng tự nhiên” và “chúng cũng không phát triển tới quy mô này trong điều kiện tự nhiên”. Ông Kuebler cho biết loài tảo độc nhiều khả năng phát triển mạnh là do độ mặn cao trong nước, vốn không phải là điều kiện bình thường của sông Oder và chỉ có thể là hậu quả của chất thải công nghiệp.