Theo CNN, thế giới có thể “thở phào” một chút sau cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng hai quốc gia này vẫn đang trong quá trình va chạm.

Căng thẳng Mỹ - Trung có hạ nhiệt sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình?

Hoàng Vũ | 15/11/2022, 10:48

Theo CNN, thế giới có thể “thở phào” một chút sau cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng hai quốc gia này vẫn đang trong quá trình va chạm.

Theo Mỹ, cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh G20 ở Indonesia đã mang lại hai kết quả quan trọng: Lập trường chung rằng Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và việc nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã nhấn mạnh với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh cũng có nghĩa vụ kiềm chế hoạt động tên lửa và hạt nhân gây mất ổn định của Triều Tiên.

Các tuyên bố công khai của cả Mỹ và Trung Quốc dường như chỉ ra một nền tảng cơ bản mà mỗi bên đều nhận ra bản chất quan trọng của sự cạnh tranh. Cả hai đều muốn đảm bảo rằng căng thẳng không làm bùng phát thành một cuộc chiến. Mỹ và Trung Quốc đều đang hướng tới việc mở lại các đường dây liên lạc cũng như tổ chức nhiều cuộc hội đàm hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến ​​sẽ thăm Trung Quốc vào năm tới. Các cuộc trao đổi như vậy đã bị đình chỉ kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan vào tháng 8 và gây ra các cuộc phản đối dữ dội của Trung Quốc.

Liên lạc giữa các nhà lãnh đạo là rất quan trọng vào thời điểm khủng hoảng. Bất kỳ sự hiểu biết và tin cậy nào giữa ông Tập và ông Biden đều có thể phát huy tác dụng, ví dụ trong trường hợp lực lượng hải quân của hai bên xảy ra đụng độ trên biển.

Leon Panetta - cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Giám đốc CIA, người xử lý mối quan hệ Mỹ - Trung trong nhiều thập kỷ - bày tỏ sự lạc quan sau cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Tập.

“Kết quả của cuộc gặp này đưa mối quan hệ Mỹ - Trung trở lại trên một bình diện ngoại giao mới, trong đó thay vì đối đầu nhau, hai bên có thể bắt đầu đối thoại về các loại vấn đề cần phải giải quyết chung. Tôi nghĩ cuộc gặp này rất quan trọng”, ông Panetta nói với CNN.

Hạn chế của cuộc gặp

Tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia, cả hai bên đều tỏ ra muốn tránh đụng độ trực tiếp lúc này. Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc châu Á, tiềm năng là số một toàn cầu và chắc chắn sẽ không tương thích với các chính sách của Mỹ. Ông Biden thậm chí đã nói về các hành động của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong thời gian gần đây, theo Nhà Trắng.

Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden nói rằng ông không thấy ông Tập muốn “đối đầu hơn hay hòa giải hơn”. “Ông ấy đã luôn trực tiếp và thẳng thắn… Chúng tôi cũng đã rất thẳng thắn với nhau về những vấn đề chúng tôi không nhất trí hoặc những gì chúng tôi không chắc chắn về vị trí của nhau”, ông Biden cho hay.

Về phần mình, trước cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết công khai rằng “một chính khách nên suy nghĩ và biết vị trí lãnh đạo đất nước của mình. Ông ấy (Biden) nên suy nghĩ và hiểu cách hòa hợp với các quốc gia khác và cả thế giới”.

CNN nhận định, đây là một bài giảng rất quen thuộc khi Washington đã từng thuyết giáo nhiều lần cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nay lại bị chính Bắc Kinh gửi gắm lại.

“Mỗi bên không nên tìm cách thay đổi hoặc thậm chí phá hoại hệ thống của bên kia. Thay vì nói một đằng và làm một nẻo, Mỹ cần tôn trọng các cam kết của mình bằng hành động cụ thể”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Tiến bộ cho thế giới

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy các cường quốc vẫn có thể hợp tác với nhau vì lợi ích rộng lớn hơn.

Tổng thống Biden đã nói ông Tập rằng Mỹ sẵn sàng tái bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu - vào thời điểm thích hợp cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Ai Cập sắp tới.

Sau cuộc hội đàm, thông báo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo “nhất trí trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng” về biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu bao gồm giảm nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu.

Nhà Trắng cũng cho biết ông Tập và ông Biden đều cam kết “không bao giờ thúc đẩy một cuộc chiến tranh hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của họ đối với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.

Bài liên quan
Cuộc chuyển giao quyền lực sóng gió: Ông Biden và ông Trump đối đầu kịch liệt về Ukraine
Quá trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với bất đồng sâu sắc về chính sách đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Mỹ - Trung có hạ nhiệt sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình?