Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc để tránh tình trạng ùn ứ vào dịp cao điểm Tết.

Cảnh báo ùn ứ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp Tết

tuyetnhung | 06/01/2020, 19:58

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc để tránh tình trạng ùn ứ vào dịp cao điểm Tết.

Theo chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động. Tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc khi vào dịp cao điểm vẫn còn diễn ra.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu và kịp thời điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới khi có phát sinh hiện tượng bất thường, ùn ứ nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại nông sản, trái cây và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh, thành phố vùng nuôi, trồng trọng điểm cũng như các Hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản cần thường xuyên rà soát công tác sản xuất, điều chỉnh canh tác thời vụ (diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng…) cho phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, điều tiết nguồn cung sản phẩm nông sản hợp lý.

Các đơn vị này cũng cần chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông thủy sản, trái cây trong mùa vụ năm 2020; phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình để kịp thời điều tiết lượng hàng hóa nông sản, trái cây lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu.

Về mặt lâu dài, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc.

Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc và các khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường, phương thức giao dịch, tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản với doanh nghiệp Trung Quốc; chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối phù hợp với thị trường; tăng cường công tác phát triển thương hiệu, mẫu mã và bao bì, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm từ cuối năm 2018 đến nay, một phần do không đáp ứng các quy định mới. Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc đạt hơn 3,8 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm nay, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong số này gạo giảm sâu nhất, 67,5%, đạt hơn 159,4 triệu USD; rau quả đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD, giảm hơn 8%; sắn giảm gần 10% so với cùng kỳ khi chỉ đạt trên 466 triệu USD...

Một trong những nguyên nhân là hàng nông sản Việt sang Trung Quốc sụt giảm, ùn ứ và "tắc" ở cửa khẩu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Ngoài ra, nước này cũng thay đổi chính sách thương mại và đưa ra loạt hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng, kiểm dịch an toàn thực phẩm... với nông sản nhập khẩu.

Chẳng hạn, Trung Quốc đưa ra yêu cầu quả chuối xuất sang nước này phải có hộp đóng gói đầy đủ, in nhãn bằng tiếng Trung; hay với dưa hấu, phía bạn yêu cầu phải dán mã truy xuất nguồn gốc... Hay họ áp hạn ngạch thuế quan và chỉ định cửa khẩu nhập với một số hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định như Quảng Tây, Vân Nam...

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo ùn ứ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp Tết