Ấn Độ ngày 20.9 thông báo cung cấp khoản vay 250 triệu USD cho Maldives cứu nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 – một động thái nhằm cạnh tranh ảnh hưởng tại Nam Á với đối thủ Trung Quốc.
Vốn nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng sang trọng, kinh tế Maldives đang lao đao do khách du lịch không đến ồ ạt như trước dù nhiều chuyến bay quốc tế đã khôi phục từ giữa tháng 7. Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih phải nhờ Ấn Độ hỗ trợ tài chính để khắc phục tình hình khó khăn, và chính quyền New Delhi đồng ý cho vay.
“Họ có toàn quyền sử dụng số tiền khắc phục kinh tế nội địa phù hợp ưu tiên của mình”, theo Cao ủy Ấn Độ tại Maldives. Khoản vay được cung cấp thông qua hình thức mua trái phiếu kho bạc do phía Maldives phát hành, thời hạn hoàn trả là 10 năm.
Maldives tính đến nay ghi nhận gần 10.000 ca nhiễm COVID-19. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế đảo quốc này sẽ giảm đến 20,5% trong năm 2020.
Tháng 8 trước, chính quyền New Delhi cũng cam kết cho Maldives vay 500 triệu USD xây dựng hạ tầng cầu đường cho tuyến vận tải Đông - Tây.
Dưới thời Tổng thống Abdulla Yameen, Maldives vay Trung Quốc đến 1,4 tỷ USD – để lại khoản nợ khổng lồ cho nhà lãnh đạo đương nhiệm Solih. Đây là minh chứng tiêu biểu cho “ngoại giao bẫy nợ” hòng mở rộng tầm ảnh hưởng mà chính quyền Bắc Kinh triển khai.
Từ lúc lên nắm quyền, Tổng thống Solih chủ trương “thoát Trung thân Ấn”. Chính quyền New Delhi lập tức nắm bắt cơ hội gia tăng ảnh hưởng bằng hàng loạt hỗ trợ tài chính.
Ấn Độ xem Trung Quốc là đối thủ địa chính trị chính ở châu Á. Chính quyền New Delhi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi có những động thái quyết đoán hơn nhằm duy trì ưu thế chiến lược về mặt địa lý ở Ấn Độ Dương. Học giả Constantino Xavier thuộc tổ chức Carnegie India đánh giá: “Khi Ấn Độ đang cố tự khẳng định mình là một cường quốc nổi bật ở Ấn Độ Dương, Maldives ngày càng trở nên quan trọng”.
Trong khi đó Trung Quốc cũng xem Maldives là một trong những điểm quan trọng trong “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua Ấn Độ Dương. Hai bên đã ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
Cẩm Bình (theo SCMP)