Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng xảy ra nhanh gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của cơ sở hạ tầng địa phương.

Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng có thể sụp đổ do băng tan

Long Hải | 03/11/2022, 21:00

Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng xảy ra nhanh gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của cơ sở hạ tầng địa phương.

tan-bang1.jpg
Lớp băng vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đang tan ra với tốc độ nhanh chóng

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment, sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng thuộc dãy Himalaya làm tăng nhu cầu sửa chữa và thay thế cơ sở hạ tầng. Ước tính 38% đường bộ, 39% đường sắt và đường dây điện, 21% các tòa nhà bị đe dọa bởi lớp băng vĩnh cửu tan chảy vào năm 2050.

Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng là một khu vực rộng hơn 2,5 triệu km2, gấp 5 lần diện tích đất liền nước Pháp, trải dài từ phía tây Trung Quốc đến Pakistan, bao gồm các khu vực của Nepal, Ấn Độ, đông Tajikistan và nam Kyrgyzstan.

John S. Kimball, nhà sinh thái học tại Đại học Montana, cho biết: “Mối quan tâm lớn hiện nay là lớp băng vĩnh cửu đã trở nên không ổn định và băng tan gần như ở khắp mọi nơi do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Ông Kimball cho biết có hàng loạt tác động tiêu cực từ sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu. Ở quy mô cục bộ, việc này có thể dẫn đến mặt đất không ổn định và làm hỏng nền móng của các tòa nhà; gây ra tình trạng sụt lún đường xá; ảnh hưởng đến sân bay, đường ray xe lửa, đường ống dẫn dầu...

“Ở một số khu vực, lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể làm mặt đất trở nên dễ xê dịch hơn dẫn đến sạt lở đất. Những vụ lở đất này có thể nghiêm trọng, làm hư hại các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác, nhưng cũng xả một lượng lớn đất và mảnh vụn vào các đường nước lân cận, làm giảm chất lượng nguồn nước”, Kimball nói.

Lớp băng tuyết tiếp xúc bởi sự kiện sạt lở đất ban đầu sau đó sẽ tan ra với tốc độ nhanh hơn, dẫn đến sạt lở đất ngày càng lớn hơn. Sạt lở đất có thể đặc biệt nguy hiểm ở các vùng núi do địa hình giảm dần và độ dốc lớn.

tan-bang2.jpg
Đỉnh Everest nhìn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng

Trong khi đó, ở quy mô khu vực, sự tan băng vĩnh cửu trên khắp Bắc Cực đang khiến các hồ nước khô cạn trên diện rộng. Trong giai đoạn sau của quá trình tan băng vĩnh cửu, sự thất thoát nước ở đất sẽ đạt tới độ khiến các hồ nước cạn nhanh. Các quan sát từ vệ tinh và trên mặt đất chỉ ra xu hướng này đang mở rộng khắp khu vực đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc bán cầu, bao gồm cả cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.

Đặc biệt, trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, các hồ nước ngọt trên núi cao, sông băng và băng vĩnh cửu tan chảy đổ vào ba con sông dài nhất châu Á và là nguồn cung cấp nước chính cho khoảng 20% ​​dân số thế giới. Độ ẩm có sẵn từ các hồ và suối trên núi cao cũng giúp duy trì một hệ sinh thái đồng cỏ bán khô hạn. Khi các sông băng và lớp băng vĩnh cửu tiếp tục tan chảy, các hồ, sông và các vùng nước khác trên cao nguyên sẽ bắt đầu khô cạn.

“Khi sông ngòi trên khắp cao nguyên bắt đầu cạn nước, bầu khí quyển khô hơn làm suy giảm năng suất đồng cỏ, góp phần xói mòn đất dẫn đến sa mạc hóa. Sa mạc hóa có thể làm giảm lượng mưa và tuyết rơi, kéo theo nguồn cung cấp nước càng giảm mạnh”, Kimball cho biết.

Ở quy mô toàn cầu, lớp băng vĩnh cửu tan chảy khiến khí hậu ấm lên, thúc đẩy quá trình tan băng ở các khu vực khác trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Ted Schuur, giáo sư sinh thái học tại Đại học Northern Arizona, nhận định: “Đối với toàn bộ khu vực phía bắc, chúng tôi dự đoán ​​sẽ thải ra từ 50-230 tỉ tấn carbon vào khí quyển khi khí hậu ấm lên. Số lượng chính xác phụ thuộc vào việc xã hội có giảm phát thải khí nhà kính hay không. Các giá trị thấp hơn sẽ tương ứng với sự ấm lên tổng thể được giữ dưới 2 độ C”.

“Sự nóng lên ở Bắc Cực đang làm gia tăng cháy rừng ở những vùng đất nằm phía trên Vòng Bắc Cực. Điều này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng khi cháy rừng làm trầm trọng thêm sự suy thoái của lớp băng vĩnh cửu, giải phóng khí nhà kính, góp phần làm tăng nhiệt độ ở Bắc Cực”, Adrià Descals, nhà nghiên cứu khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu sinh thái và ứng dụng lâm nghiệp, cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng có thể sụp đổ do băng tan