Yếu tố quan trọng nhất trong việc xem xét có nên loại bỏ thông tư 20 phụ thuộc vào việc nó có tạo ra tình trạng độc quyền vốn bị cấm trong luật pháp Việt Nam hay không. Vậy, như thế nào thì mới coi là độc quyền?

Câu chuyện xung quanh thông tư 20: Như thế nào là độc quyền?

Nhàn Đàm | 12/08/2016, 10:55

Yếu tố quan trọng nhất trong việc xem xét có nên loại bỏ thông tư 20 phụ thuộc vào việc nó có tạo ra tình trạng độc quyền vốn bị cấm trong luật pháp Việt Nam hay không. Vậy, như thế nào thì mới coi là độc quyền?

Một câu chuyện không mới nhưng lại đang trở thành tâm điểm của những tranh cãi khá gay gắt trong cộng đồng doanh nghiệp và kể cả các chuyên gia kinh tế, cũng như đang được xem là thuốc thử thực sự cho quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của chính phủ là câu chuyện xung quanh thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô.

Dù thông tư 20 được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011, nhưng trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực dẹp bỏ các điều kiện kinh doanh trái phép ở thời điểm hiện tại, thì thông tư này lại được xem là một trường hợp điển hình về việc tạo ra tình trạng độc quyền trong nền kinh tế Việt Nam vốn được xem là không hợp pháp và được quy định rõ trong hàng loạt các bộ luật khác nhau.

Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất trong việc xem xét có nên loại bỏ thông tư 20 hay không phụ thuộc vào việc nó có tạo ra tình trạng độc quyền vốn bị cấm trong luật pháp Việt Nam. Vậy, cụ thể nhưthế nào thì mới coi là độc quyền?

Được ban hành ngày 12.5.2011 bởi Bộ Công thương, thông tư 20 quy định doanh nghiệp hoặc thương nhân muốn nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hay giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu hay nhà phân phối của chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó. Ngay lập tức thông tư này kể từ thời điểm được ban hành đã trở thành yếu tố định hình lại toàn bộ thị trường nhập khẩu, phân phối xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tại Việt Nam.

Theo thống kê, trước thời điểm ban hành thông tư 20, trên thị trường Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xe ô tô dưới 9 chỗ, phần lớn là những doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ và không có giấy ủy quyền chính hãng; đến thời điểm hiện tại sau khi thông tư 20 được ban hành 5 năm thì số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trên thị trường chỉ còn khoảng 20-30 mà thôi. Và cũng kể từ thời điểm 2011 đến nay, thông tư 20 vẫn là một trong những câu chuyện gây tranh cãi lớn nhất trong thị trường nhập khẩu ô tô Việt Nam.

Cụ thể, bên phản đối bao gồm các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ và các chuyên gia kinh tế cho rằng, thông tư 20 vừa đồng thời là một điều kiện kinh doanh trái phép lại vừa là một quy định tạo ra tình trạng độc quyền, vì thế cần phải loại bỏ.

Cụ thể, về mặt pháp lý thì thông tư 20 được xem là hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016 khi các điều kiện kinh doanh được quy định trong các thông tư được tự động xem là hết hạn. Ngoài ra, thông tư 20 còn vi phạm Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như vi phạm các luật khác như Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và kể cả là Hiến pháp.

Trên thực tế, bằng việc quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất đã tạo ra một sự độc quyền dành cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp là đại diện phân phối chính hãng của các hãng sản xuất ô tô, thay vì bất cứ doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nào. Bằng quy định này, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ đồng nghĩa với việc lâm vào tình trạng phá sản hàng loạt, do họ không thể đủ điều kiện về tài chính, quy mô để có thể xoay sở được giấy ủy quyền chính hãng.

Còn bên ủng hộ, mà chủ yếu là các doanh nghiệp phân phối chính hãng của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài, thì cho rằng quy định giấy ủy quyền chính hãng sẽ có lợi cho người tiêu dùng, vì sẽ mua được hàng chính hãng và có hệ thống bảo hành chuyên nghiệp, thay vì mua xe từ các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ lẻ vốn không thể cung cấp các điều kiện tương tự. Ngoài ra, các doanh nghiệp ủng hộ thông tư 20 còn cho rằng, nếu bỏ thông tư này thì có thể dẫn tới nguy cơ gian lận thương mại, nhà nước thất thu thuế và cơ quan đăng kiểm không thể kiểm tra được hết mọi việc.

Hai quan điểm trái ngược này đều có lý ở những khía cạnh nhất định, và là nguyên nhân khiến cho những tranh luận về việc giữ lại hay loại bỏ thông tư 20 vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Những tranh cãi về khía cạnh lợi ích này khiến cho trọng tâm quan trọng nhất của vấn đề đang bị lờ đi, đó là việc thông tư 20 có phải là một thông tư trái luật và cần bị loại bỏ do đã tạo ra tình trạng độc quyền hay không.

Chỉ cần chứng minh được thông tư 20 tạo ra tình trạng độc quyền, thì về pháp lý nó sẽ bị loại bỏ, bất kể việc thông tư này có đem lại những lợi ích cụ thể ra sao mà các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng đã liệt kê. Độc quyền trên thực tế không những tạo ra những lợi ích tích cực, mà thậm chí còn đem lại rất nhiều lợi ích nữa là đằng khác; nhưng độc quyền thì vẫn là độc quyền, và vẫn bị coi là vi phạm pháp luật, và vì thế cần phải bị loại bỏ.

Về lý thuyết, cũng như trên thực tế, những quy định của thông tư 20 được xem là đã tạo ra tình trạng độc quyền trên thị trường nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ở Việt Nam. Sẽ có rất ít các doanh nghiệp đủ điều kiện cần thiết để có thể có được giấy phép ủy quyền chính hãng, điều này đồng nghĩa với việc một số ít doanh nghiệp được ủy quyền chính hãng sẽ nắm trọn toàn bộ thị trường nhập khẩu xe ô tô Việt Nam. Thực tế cũng đã chứng minh, từ chỗ có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trước thời điểm thông tư 20 được ban hành, thì giờ đây chỉ còn khoảng 20-30 doanh nghiệp ở lĩnh vực này còn hoạt động.

Chính vì những quy định về giấy ủy quyền chính hãng trong thông tư 20 tạo ra tình trạng bị coi là độc quyền, nên một thực tế là gần như không có một quốc gia nào trên thế giới ban hành những quy định tương tự. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, đều thực hiện cơ chế nhập khẩu song song, tức từ cả doanh nghiệp ủy quyền chính hãng lẫn các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ và vừa để đảm bảo tình trạng cạnh tranh về giá cả chất lượng, đa dạng hóa các phân khúc thị trường. Vì một trong những đặc điểm của cơ chế nhập khẩu ủy quyền chính hãng là tình trạng thiếu cạnh tranh và các hãng sản xuất nâng giá cũng như ép giá người mua.

Nếu những lập luận của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ủy quyền chính hãng về khía cạnh lợi ích cho người tiêu dùng được thừa nhận, và khiến cho thông tư 20 được giữ lại và tiếp tục có hiệu lực, thì không khó để dự đoán rằng những thông tư tương tự sẽ xuất hiện trong hàng loạt các lĩnh vực khác. Lấy lý do bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tạo ra và áp đặt tình trạng độc quyền, là một cách thức dễ dàng và rất phổ biến của các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng.

Vì thế, việc cần làm ở thời điểm hiện tại là tránh những cách tiếp cận vấn đề dựa trên khía cạnh lợi ích người tiêu dùng, để tập trung vào việc xác định xem thông tư 20 có vi phạm pháp luật do tạo ra tình trạng độc quyền hay không. Nếu thông tư 20 tạo ra tình trạng độc quyền và đồng nghĩa với một sự phạm pháp, thì việc loại bỏ nó là điều không có gì phải bàn cãi.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
33 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện xung quanh thông tư 20: Như thế nào là độc quyền?