Tỷ phú công nghệ Thomas Siebel cho rằng "sự điên rồ" cuối cùng đã biến mất khỏi thị trường khi nói đến việc tuyển dụng quá mức tại các công ty như Meta Platforms và Google.
Là Giám đốc điều hành công ty AI mang tên C3.ai đặt trụ sở ở Redwood City (bang California, Mỹ), Thomas Siebel có tài sản ròng trị giá 3,5 tỉ USD. Ông nói với trang Insider: “Thật kỳ lạ khi Google và Meta thuê nhân viên khi không có việc làm cho những người này. Họ thực sự không làm gì khi làm việc ở nhà”.
Meta Platforms và Google đã tuyển dụng rầm rộ trong thời gian bắt đầu đại dịch, nhưng những tháng gần đây hai công ty này đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên do lo ngại suy thoái kinh tế.
Thomas Siebel cho biết công ty C3.ai với khoảng 1.000 nhân viên có cách tiếp cận thận trọng hơn khi đưa người mới vào. Ông nói rằng C3.ai đưa các ứng viên vào quy trình phỏng vấn có tính cạnh tranh cao, lọc những người được tuyển dụng tiềm năng xem họ có phù hợp với văn hóa làm việc chăm chỉ của công ty hay không. Trong số 4.000 ứng viên tham gia phỏng vấn trong năm ngoái, C3.ai chỉ tuyển được 300 nhân viên.
"Tôi không gợi ý rằng chúng tôi vượt trội về mặt đạo đức làm việc, nhưng có những người thích làm việc cùng nhau theo nhóm, cầm một cuốn sách trong tay và thích giải quyết những vấn đề thực sự khó. Đó là con người của chúng tôi và nếu là kiểu người như vậy, bạn sẽ thích làm việc ở C3. Nếu muốn làm việc ở nhà, chẳng hạn như 4 ngày trong bộ đồ ngủ, bạn hãy đến Facebook", Thomas Siebel chia sẻ.
Tỷ phú 70 tuổi người Mỹ nói đùa rằng C3.ai đã thiết lập một chính sách làm việc "tự nguyện" tại văn phòng vào năm 2021. “Bạn có thể tự nguyện ngồi tại bàn làm việc hoặc tự nguyện đi làm ở một nơi khác”, Thomas Siebel nói, ám chỉ đến lệnh trở lại văn phòng của C3.ai.
Thomas Siebel ngầm chế nhạo Google khi đề cập một bức ảnh được chụp lúc 15 giờ 30 hôm 24.2, cho thấy bãi đỗ xe của C3.ai đầy đủ, trong khi bãi đỗ xe một công ty công nghệ mà ông từ chối tiết lộ tên gần như trống rỗng. Sử dụng Google Maps, trang Insider đã xác định được bãi đỗ xe gần đó thuộc về một trong các văn phòng của Google ở bang California (Mỹ).
Người phát ngôn của Meta Platforms và Google không trả lời câu hỏi về vấn đề trên.
Hôm 13.2, Britney Levy, cựu nhân viên Meta Platforms, nói trên TikTok rằng cô "được xếp vào nhóm những người không làm việc" trước khi bị sa thải vào đầu năm 2023.
"Bạn phải đấu tranh để tìm công việc. Đó là một môi trường rất kỳ lạ và có vẻ như Meta thuê chúng tôi để các công ty khác không thể có chúng tôi và sau đó chỉ đơn giản là giữ chúng tôi như các thẻ Pokemon", Britney Levy thổ lộ.
Thomas Siebel không phải là giám đốc điều hành đầu tiên bày tỏ lo ngại rằng nhân viên công nghệ không làm đủ việc. Đầu tháng 3, Keith Rabois, Giám đốc điều hành OpenStore - công ty chuyên hỗ trợ tài chính cho các thương nhân bán hàng bằng Shopify, cho biết Google và Meta Platforms thuê hàng ngàn nhân viên làm "công việc giả mạo". Quan điểm này đã được một số nhà đầu tư và nhà sáng lập Silicon Valley ủng hộ.
Năm ngoái, Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella đã cảnh báo rằng làm việc từ xa đã thúc đẩy "sự hoang tưởng về năng suất" trong quản lý.
"Các nhà lãnh đạo nghĩ rằng nhân viên của họ không làm được gì, trong khi nhân viên nghĩ rằng họ đang làm việc hiệu quả và trong nhiều trường hợp thậm chí còn cảm thấy kiệt sức", Satya Nadella nói.
Vào tháng 8.2022, tờ The New York Times đưa tin rằng các công ty đang ngày càng sử dụng các biện pháp giám sát nhân viên trong bối cảnh văn phòng trở thành môi trường làm việc từ xa và kết hợp. The New York Times đã mô tả nhiều phương pháp mà các công ty đã sử dụng để đo lường năng suất làm việc của nhân viên, từ theo dõi các cú nhấp chuột và nhấn phím đến yêu cầu nhân viên chụp ảnh ngẫu nhiên để đảm bảo rằng họ đang ngồi tại máy tính.
Trong một email gửi cho toàn thể nhân viên cuối tháng 1, Alphabet (công ty mẹ của Google) cho biết đang cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động.
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Alphabet, nói ông vô cùng xin lỗi những người lao động sẽ bị mất việc và đó là một quyết định khó khăn để chuẩn bị cho tương lai công ty. Việc sa thải sẽ diễn ra trên toàn cầu và toàn bộ công ty. Sundar Pichai biết ông chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định này.
Tháng 11.2022, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. Việc cắt giảm việc làm trên diện rộng, lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta Platforms, theo sau nhiều vụ sa thải tại các hãng công nghệ lớn khác, gồm cả Twitter thuộc sở hữu của Elon Musk và Microsoft.
Sau khi phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch, nhiều hãng công nghệ sụt giảm doanh thu trong thời gian qua do đối mặt với lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh.
“Không chỉ thương mại trực tuyến đã trở lại với xu hướng trước đây, mà kinh tế vĩ mô suy thoái, cạnh tranh gia tăng và mất quảng cáo đã khiến doanh thu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với dự kiến của tôi. Tôi đã nhận sai và xin chịu trách nhiệm về điều đó”, Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg cho biết trong một thông điệp gửi tới nhân viên.
Mark Zuckerberg nhấn mạnh về sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả hơn về vốn và cho biết công ty sẽ chuyển nguồn lực sang "các lĩnh vực tăng trưởng ưu tiên cao" như công cụ khám phá AI (trí tuệ nhân tạo), quảng cáo và nền tảng kinh doanh cũng như dự án metaverse của mình.
Meta Platforms cũng có kế hoạch cắt giảm chi tiêu và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng trong quý 1/2023. Nhằm cải thiện hoạt động và tổ chức, Meta Platforms sẽ tiếp tục cắt giảm hàng ngàn nhân viên trong tuần này.
Trong khi đó, dù đã đóng băng việc tuyển dụng ở một số khu vực, Apple vẫn chưa áp dụng biện pháp sa thải hàng loạt đang được tiến hành ở những gã khổng lồ công nghệ khác. Có một lý do giúp Apple chịu ít áp lực phải cắt giảm việc làm vào thời kỳ suy thoái hiện nay so với các hãng công nghệ khác là do họ tuyển dụng hiệu quả hơn ngay từ đầu.
Trong thời kỳ bùng nổ tuyển dụng của ngành do đại dịch, Apple đã bổ sung ít nhân viên hơn so với các hãng công nghệ lớn khác. Trên hết, Apple đã tạo ra doanh thu trên mỗi lần tuyển dụng mới cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành, theo dữ liệu do trang Bloomberg tổng hợp. Số lượng nhân viên Apple chỉ tăng 20% từ năm 2020 đến 2022, so với mức tăng 60% tại Alphabet và gần gấp đôi tại Amazon.
Apple cũng tạo ra nhiều doanh thu hơn trên mỗi nhân viên bổ sung trong những năm xảy ra đại dịch so với khoảng thời gian 3 năm trước đó. Đó là một sự tương phản rõ nét so với hầu hết các hãng công nghệ khác. Tuy nhiên, số lượng nhân viên không thể giải thích đầy đủ lợi thế của Apple so với các đối thủ cạnh tranh. Nhà sản xuất iPhone cũng tạo ra một số doanh thu cao nhất trên mỗi foot vuông, dấu hiệu cho thấy hiệu quả của nó vượt xa chính sách tuyển dụng.