CEO Telegram Pavel Durov ngày 17.4 tuyên bố ông sẽ không nhượng bộ mà giao ra khóa giải mã tin nhắn người dùng, mặc dù bị giới chức Nga chặn truy cập trên lãnh thổ nước này.

CEO Telegram quyết không hợp tác với giới chức Nga

Cẩm Bình | 18/04/2018, 15:31

CEO Telegram Pavel Durov ngày 17.4 tuyên bố ông sẽ không nhượng bộ mà giao ra khóa giải mã tin nhắn người dùng, mặc dù bị giới chức Nga chặn truy cập trên lãnh thổ nước này.

Viết trên kênh Telegram của mình, Durov cho biết: “Với chúng tôi, đây là một quyết định dễ dàng. Chúng tôi đã cam kết giữ riêng tư 100% cho người dùngvà chấp nhận rút khỏi (Nga) chứ không vi phạm cam kết này”.

Ông cũng cho biết, mặc cho lệnh cấm của chính quyền, số lượng người dùng Telegram tại Nga không suy giảm, vì họ đã dùng đến mạng riêng ảo (VPN) và máy chủ proxy để truy cập. CEO Telegram cam kết sẽ đầu tư (bằng tiền ảo) vào những cá nhân/ công ty điều hành các VPN và proxy.

Ngoài ra, ông cũng gửi lời cảm ơn đến Apple, Google, Amazon, Microsoft vì “không tham gia vào chiến dịch kiểm duyệt chính trị” của Moscow.

Tuyên bố của CEO Telegram được đưa ra sau khi một tòa án tại Moscow đã ra phán quyết có lợi Cơ quan quản lý truyền thông nước này (Roskomnadzor), chặn truy cập của ứng dụng nhắn tin mã hóa này.

Trong một luật chống khủng bố được ban hành năm 2016, Nga yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông cho phép chính quyền tiếp cận với các cuộc hội thoại của người dùng. Telegram, ứng dụng cho phép người dùng công nghệ mã hóa đầu-cuối, đã được yêu cầu chấp hành quy định này bằng cách chia sẻ khóa giải mã tin nhắn.

Tuy nhiên, đơn vị này luôn từ chối với lý do việc giải mã về mặt kỹ thuật là không thể và cũng là hành động xâm phạm quyền bảo mật của khách hàng.

Telegram là ứng dụng nhắn tin di động phổ biến thứ 9 trên thế giới, với hơn 200 triệu người dùng toàn cầu, trong đó tính riêng tại Nga có gần 10 triệu.

Trong nỗ lực “xóa sổ” Telegram, Roskomnadzor ngày 17.4 đã cho chặn 18 mạng con và địa chỉ IP của Google và Amazon được dùng bởi ứng dụng nhắn tin mã hóa này. Ông Alexander Zharov, người đứng đầu Roskomnadzor, cho biết đã thông báo quyết định này cho hai công ty.

Telegram quyết không giao khóa giải mã tin nhắn người dùng – Ảnh: Reuters

Sau Nga, Telegram có thể sẽ bị chặn tại Iran. Giới chức quốc gia Trung Đông trong tuần này đã cảnh báo ứng dụng này có thể bị chặn “bất cứ lúc nào”. Hiện lệnh cấm đã được áp dụng tại các trường đại học.

Pháp muốn có ứng dụng nhắn tin của riêng mình

Trong khi đó, sau khi bê bối rò rỉ thông tin người dùng của mạng xã hội Facebook bị phanh phui, Pháp đã quyết định tự phát triển một ứng dụng nhắn tin mã hóa của riêng mình để tránh nguy cơ các quan chức bị gián điệp theo dấu khi sử dụng ứng dụng nước ngoài để trao đổi thông tin.

Thông tin này được Bộ Kỹthuật số Pháp cho biết. Hiện ứng dụng đang được khoảng 20 quan chức nước này dùng thử, hệ thống máy chủ được đặt trong lãnh thổ nước này. Nếu thành công, toàn bộ công chức sẽ bị bắt buộc phải chuyển sang sử dụng ứng dụng này.

Tổng thống Pháp rất thích sử dụng mạng xã hội và thường dùng chúng để liên lạc với các đồng minh chính trị, đặc biệt là Telegram. Tuy nhiên, Telegram hay Whatapps đều không đặt máy chủ tại Pháp. Điều này đặt ra nguy cơ an nình cho giới chức Paris và cũng là thách thức trong quản lý.

Cẩm Bình (theo The Washington Times, Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Telegram quyết không hợp tác với giới chức Nga