Để khắc phục tình trạng các viên thuốc chẩn đoán bệnh ở dạng rắn gây tổn thương cho các mô cơ thể và gây viêm, các nhà khoa học Đức đã phát triển các bộ vi cảm biến được bọc gelatin như những viên kẹo mềm, giúp theo dõi hoạt động của tim và não từ bên trong cơ thể.

Chẩn đoán bệnh não và tim dễ như ăn kẹo

Vũ Trung Hương | 26/06/2018, 17:48

Để khắc phục tình trạng các viên thuốc chẩn đoán bệnh ở dạng rắn gây tổn thương cho các mô cơ thể và gây viêm, các nhà khoa học Đức đã phát triển các bộ vi cảm biến được bọc gelatin như những viên kẹo mềm, giúp theo dõi hoạt động của tim và não từ bên trong cơ thể.

Theo Eurek Alert, các chuyên gia ở Đại học bách khoa Munich (Đức) đã đề xuất một cách mới để chẩn đoán bệnh của cơ thể. Các bộ cảm biến vi điện tử ở dạng kẹo dẻo gelatin sẽ thông báo về hoạt động của các cơ quan nội tạng.

Các nhà khoa học từ lâu đã tìm cách đưa vào cơ thể các bộ cảm biến có thể theo dõi các chỉ số quan trọng của não và tim. Về nguyên tắc, các bộ cảm biến siêu nhỏ không phải là một phát minh mới. Tuy nhiên, các thiết bị vi điện tử ở dạng rắn có thể làm tổn thương các mô cơ quan nội tạng hoặc gây viêm.

Nay, các chuyên gia Đức đã tìm cách khắc phục tình trạng đó. Họ đã quyết định chèn các điện cực siêu nhỏ vào một loại nguyên liêu gelatin. Sau đó, kẹo được in trên máy in 3D.

Bộ cảm biến được tạo ra không chỉ có thể ghi lại nhịp tim và các tín hiệu của đại não, mà còn đo lường hoạt tính của các tế bào cơ. Các chuyên gia đảm bảo rằng công nghệ của họ có thể được phát triển thành thiết bị hoạt động như một máy tạo nhịp tim.

Trong khi đó, theo The Daily Mail, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát triển một viên thuốc chứa đầy các yếu tố vi điện tử và các tế bào sống đã biến đổi gien để chẩn đoán các bệnh về đường tiêu hóa từ bên trong ruột.

Viên thuốc đã được thử nghiệm trên lợn. Kết quả, viên thuốc có thể phát hiện chính xác tình trạng chảy máu. Chiều dài của viên thuốc không vượt quá 2,5cm. Tuy nhiên để dùng cho người, kích thước của viên thuốc sẽ giảm hơn nữa. Các tế bào sống bên trong hoạt động như các bộ cảm biến (chúng bắt đầu phát sáng ngay sau khi phát hiện chảy máu) và các yếu tố điện tử trong viên thuốc sẽ truyền thông tin này đến điện thoại thông minh.

Phương pháp chẩn đoán này đã được các nhà khoa học thử nghiệm bằng cách sử dụng một chủng E. coli vô hại. Các viên thuốc có thể được biến đổi để phát hiện một loạt các chứng bệnh khác. Trong tương lai, bệnh nhân sẽ có thể chỉ cần nuốt những viên thuốc như vậy với một chu kỳ nhất định để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Vũ Trung Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chẩn đoán bệnh não và tim dễ như ăn kẹo