7 đơn vị tạng của chàng trai 18 tuổi (quê An Giang) đã được hiến để cứu sống 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết và 2 người mù lòa được sáng mắt. Đó là một sự "ra đi" đã đem lại sự sống cho nhiều người.
Thông tin Y học

Chàng trai 18 tuổi chết não đem lại sự sống cho 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết

Hồ Quang 26/11/2024 18:07

7 đơn vị tạng của chàng trai 18 tuổi (quê An Giang) đã được hiến để cứu sống 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết và 2 người mù lòa được sáng mắt. Đó là một sự "ra đi" đã đem lại sự sống cho nhiều người.

Chàng trai trẻ N.P.K (18 tuổi, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang) sau khi bị tai nạn đã được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Tại đây, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và hội chẩn với các chuyên khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Ngoại Thần kinh phẫu thuật cấp cứu.

chang-trai-18-tuoi0-o-an-hiang-cuu-song-5enh-nhan-dang-nam-cho-chet-hinh-anh.png
Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện lấy tạng của nam thanh niên chết não - Ảnh: BVCC

Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), sau 7 ngày điều trị tích cực, khi nguy cơ chết não của bệnh nhân cận kề, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân từ cơ sở pháp lý đến chuyên môn bằng các hội đồng độc lập.

“Chúng tôi đánh giá quá trình chết não của bệnh nhân rất nghiêm ngặt và đảm bảo các yếu tố pháp lý, trong đó bệnh nhân phải chết não 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Đây là một quyết định sinh mệnh của bệnh nhân nên phải rất nghiêm ngặt”, bác sĩ Thanh nói.

Ngay sau đó, Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành kích hoạt Chi hội vận động hiến ghép mô tạng của bệnh viện tiến hành gặp gỡ cha mẹ, ông bà nội của bệnh nhân. Sau khi được giải thích kỹ thì gia đình đã có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các tạng khi bệnh nhân chết não.

BSCK2 Nguyễn Duy Cường - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết ngày 23.11, chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã đến cùng với Bệnh viện Thống Nhất tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.

Sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy lấy tạng vào lúc 10 giờ 45 ngày 24.11.

chang-trai-18-tuoi0-o-an-hiang-cuu-song-5enh-nhan-dang-nam-cho-chet-hinh-anh-1.png
Trước khi lấy tạng, các bác sĩ đã thực hiện phút mặc niệm để tưởng nhớ nam thanh niên bị chết não này - Ảnh" BVCC

“Ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não đã thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận, bao gồm 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất; 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức; 1 phần gan được ghép cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM; còn lại 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế”, bác sĩ Cường thông tin.

Đối với 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất, PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc bệnh viện cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây đã thực hiện thành công cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối nằm chờ chết.

“Đây là 2 ca ghép tạng đầu tiên từ người cho chết não tại bệnh viện, nâng tổng số ca ghép tạng tại đây lên con số 19. Bệnh viện Thống Nhất cũng là bệnh viện thứ 2 lấy được nhiều mô, tạng để cứu sống những bệnh nhân khác. Đây là một một nỗ lực rất lớn của bệnh viện, dù việc ghép tạng bắt đầu được thực hiện tại đây chưa lâu”, bác sĩ Quế nói.

Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương miền Bắc đã có khoảng 30 ca chết não hiến mô tạng, trong khi đó ở khu vực miền Nam người chết não hiến mô tạng còn rất thấp. “Người dân miền Nam hiến xác cho khoa học thì nhiều, nhưng hiến mô tạng từ người cho chết não còn quá thấp so với người dân miền Bắc. Điều này là do các bệnh viện phía nam khơi thông nguồn tạng còn hạn chế”, ông Hệ nói.

Ông Hệ mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều người dân miền Nam hiến mô tạng khi chết não nhiều hơn. Hệ thống y tế cần gợi mở, quan tâm để có những ca chết não đồng ý hiến mô tạng.

Bài liên quan
Nghĩa cử cao đẹp của những nông dân hiến tạng cứu người
Sau những lần chứng kiến các bệnh nhân không có khả năng, cơ hội ghép tạng để tiếp tục cuộc sống, một số nông dân ở TP.Cần Thơ đã bảo nhau đăng ký hiến tạng, hiến xác khi qua đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chàng trai 18 tuổi chết não đem lại sự sống cho 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết