Một đạo luật Nhật Bản chuẩn bị ban hành không cho phép cặp đôi đồng tính hay phụ nữ độc thân nhận tinh trùng hiến tặng.
Nhiều thập kỷ qua, hiến tặng tinh trùng ẩn danh là hoạt động nằm ngoài vòng pháp luật. Nhật không có luật cấm nhưng cũng chẳng có khuôn khổ quản lý việc này.
Tuy nhiên, mọi chuyện sắp thay đổi. Năm nay dự kiến có một đạo luật quản lý quá trình hiến tặng tinh trùng, bảo vệ quyền được biết cha mẹ ruột của đứa trẻ được sinh ra cũng như giới hạn số người nhận tinh trùng của một người hiến tặng.
Tuy nhiên, dự thảo luật mà hãng tin AFP xem được lại chỉ cho phép cặp vợ chồng kết hôn hợp pháp - chủ yếu là trường hợp người chồng vô sinh - nhận tinh trùng hiến tặng. Nhật chưa công nhận hôn nhân đồng giới nên cặp đôi đồng tính nữ hay phụ nữ độc thân đều không thuộc đối tượng luật cho phép.
Theo Satoko Nagamura - người cùng bạn đời Mamiko Moda thụ thai con trai bằng tinh trùng hiến tặng: “Dự thảo luật chẳng khác gì cướp đi quyền sinh sản lẫn mong muốn sinh con, nuôi con của phụ nữ”.
Luôn mơ ước được làm mẹ và sinh con bằng chính cơ thể mình, Nagamura cùng Moda ban đầu cân nhắc đến ngân hàng tinh trùng ở nước ngoài nhưng sau đó chuyển sang nhờ một người bạn nam giới. Giờ đây họ là phụ huynh của một bé trai 10 tháng tuổi.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hiến tặng tinh trùng và thụ tinh nhân tạo thường tuân thủ hướng dẫn do Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản (JSOG) ban hành - đóng vai trò cơ sở cho đạo luật chuẩn bị được ban hành. Hướng dẫn của JSOG không mang tính ràng buộc, nhưng cũng đủ sức nặng khiến hầu hết bác sĩ đều không dám giúp cặp đôi đồng tính nữ và phụ nữ độc thân thụ thai bằng tinh trùng hiến tặng.
Nagamura lo ngại nếu luật mới được ban hành, số bệnh viện hiếm hoi chấp nhận cặp đôi đồng tính nữ và phụ nữ độc thân sẽ không thể cung cấp dịch vụ thụ thai bằng tinh trùng hiến tặng nữa. Con trai cô cũng đối mặt với nguy cơ bị kỳ thị.
“Dù cách chúng tôi thụ thai không phi pháp vào thời điểm đó, nhưng ấn tượng đây là điều sai trái và đứa trẻ này là “phi pháp” sẽ nảy sinh nếu luật mới nhìn nhận như vậy”, Moda bày tỏ.
Nghị sĩ Kozo Akino - người tham gia vào việc soạn thảo luật mới - lập luận rằng các quyền trẻ em dễ được bảo vệ nhất bởi cha mẹ kết hôn hợp pháp chia sẻ quyền nuôi con, không nên hy sinh lợi ích của trẻ để theo đuổi công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Một số bác sĩ cho rằng luật mới có thể giúp hiến tặng tinh trùng được xã hội chấp nhận hơn, mặc dù chỉ giới hạn ở cặp đôi kết hôn dị tính. Theo giáo sư sản khoa Mamoru Tanaka thuộc bệnh viện Đại học Keio: “Tôi hy vọng với luật mới, hiến tặng tinh trùng sẽ được xem là hành vi hợp pháp và trở nên phổ biến”.
Bệnh viện Đại học Keio là đơn vị y tế đầu tiên ở Nhật thực hiện thụ tinh nhân tạo (năm 1948). Tuy nhiên giờ đây họ không nhận trường hợp đăng ký mới nữa vì thiếu người hiến tặng tinh trùng cộng thêm chính sách nội bộ thay đổi.
Kể từ năm 2017, bệnh viện đã khuyến cáo người hiến tặng quyền ẩn danh có thể bị mất nếu đứa trẻ được thụ thai bằng tinh trùng họ hiến khởi kiện. Tình trạng thiếu người hiến tặng khiến bệnh viện trong năm 2019 chỉ thực hiện 481 ca thụ tinh cho trường hợp đăng ký trước đó - giảm so với 1.952 ca năm 2016.
Giáo sư Tanaka đánh giá luật mới là “con dao hai lưỡi”: đặt ra khuôn khổ pháp lý nhưng cũng có khả năng thúc đẩy người hiến lẫn người nhận thực hiện lén lút.
Hoạt động hiến tặng lén lút trên thực tế đã diễn ra từ lâu. Một lượt tìm kiếm trên Twitter cho kết quả hàng trăm tài khoản chào mời hiến tặng bằng nhiều cách, thậm chí có trường hợp tuyên bố xem hiến tinh trùng giống như hiến máu vậy.
Tìm trường hợp hiến tặng trên mạng xã hội tiềm ẩn rủi ro an toàn lẫn rủi ro sức khỏe. Nagamura lo ngại loại bỏ cặp đôi đồng tính nữ và phụ nữ độc thân khỏi luật mới sẽ làm tăng số lượng người hiến tặng trên mạng.