Ông bầu bình dị này ngồi “tám” với anh em phóng viên thể thao nhưng vẫn thích dùng từ “chém gió”. Ông nói dùng từ như thế cho nó dân dã…
Đầu năm gặp bầu Thắng trong một dịp kém vui khi ông mặc bộ đồ màu đen để đi thắp nhang cho nhà báo thể thao Minh Hùng. Dù là người bận rộn lại những ngày đầu năm bắt đầu vào guồng máy của những doanh nghiệp… nhưng ông cũng ngồi khá lâu với cánh phóng viên thể thao và… “chém gió”.
Cái phong cách này chúng tôi ngầm có sự so sánh là ông rất giống bầu Đức, hoặc cũng có thể bầu Đức giống ông… Đó là dịp gặp gỡ báo chí, hay những cuộc họp doanh nghiệp thì những ông bầu đình đám trong bóng đá này vẫn cứ thích tìm đến… “chém gió” với cánh báo chí thể thao hơn.
Chiều 28-2, sau khi hương khói cho một nhà báo ông đến trò chuyện cùng gia quyến rất lâu. Tưởng chừng như sau đó ông vội vã ra về bởi những ngày đầu năm mới là chuỗi ngày rất bận rộn của các doanh nghiệp, bản thân ông thì cũng là người đứng đầu hai, ba doanh nghiệp lớn rồi lại chủ tịch VPF nữa. Thế mà sau khi tàn buổi tâm sự với gia quyến nhà báo, bầu Thắng còn tìm đến nhóm phóng viên ngồi ở góc khuất, khi tiến tới ông không ngần ngại cầm theo cái ghế nhựa ngồi… “chém gió”.
Ông miên man kể về những ước mơ, những đề án bóng đá, phương pháp để cho người Việt có thể hình, thể tạng phát triển hơn nhằm có thành tích tốt hơn trong thể thao.
Bầu Thắng kể: “Khi còn làm đại biểu Quốc hội, đã nhiều lần tôi quyết liệt nêu ra những đề xuất mang tính chiến lược về đề án nâng cao tầm vóc người Việt… Cái gì thì cũng vậy, phải cao, to khỏe thì mới tốt hơn được”. Ông nói thêm: “Đề án ấy chung quy lại cũng đang được thực hiện nhưng có vẻ thiếu quyết liệt, đó là “chiến dịch” sữa tươi cho trẻ con. Muốn cải thiện tốt thành tích thể thao của Việt Nam trên đấu trường quốc tế, nhất định phải nâng tầm người Việt Nam thì mới hy vọng…”.
Với người đứng đầu công ty tổ chức bóng đá chuyên nghiệp VPF, bầu Thắng cũng chủ động tâm sự với cánh báo chí ngày đầu xuân nhân nói chuyện đánh nhau trong các lễ hội đầu năm. Bầu Thắng trầm ngâm tâm sự: “Cái gì cũng thế, nó xuất phát từ cái nền văn hóa và giáo dục. Trong bóng đá cũng thế, từ cầu thủ đến người đi xem. Chúng tôi cũng trăn trở rất nhiều về văn hóa ứng xử trong bóng đá từ cầu thủ cho đến người hâm mộ. Nhưng không thể đòi hỏi một sớm một chiều được, nó đòi hỏi thời gian để nâng mức dân trí lên. Khó lắm nỗ lực của toàn xã hội chứ không riêng gì trong một lĩnh vực bóng đá. Song hãy tin tưởng chúng tôi, dù khó nhưng chúng tôi cũng làm”.
Bầu Thắng vốn người lịch thiệp có tiếng trong hàng ngũ doanh nghiệp làm bóng đá nói riêng và giới doanh nghiệp nói chung. Ngay cả phong cách ăn mặc đi vào làm các “thủ tục” hương khói ở bàn thờ cho một người quá cố của ông cũng rất chỉn chu, phép tắc và đủ lễ ghi mang màu sắc tâm linh truyền thống.
Ông Thắng kể: “Ngày xưa khó khăn, ăn uống thiếu trăm bề, sữa lon còn không có mà uống. Ông kể vui: “Út Nhiệm nhà tôi sinh sau đẻ muộn, ưu tiên lắm mới được ba mẹ mua sữa lon cho uống. Thế là tôi cứ lén vào uống trộm. Nó nhỏ con cũng vì thời đó thiếu dinh dưỡng. Còn bây giờ thằng con trai của nó mới học lớp 8 đã cao 1,8 m rồi, to như VĐV bóng rổ…”.
Thể tạng của chúng ta cần phải nâng tầm và đang nâng tầm, cái tầm văn hóa của người dân nói chung cũng như trong bóng đá cũng phải cần nâng theo. Đấy là một thách thức và mang tính dài lâu. Trong lĩnh vực của mình chúng tôi luôn quyết liệt.
Vâng, hy vọng ai cũng quyết liệt và ai cũng tự mình quyết liệt trước như những gì bầu Thắng mong muốn để làm mới và làm đẹp bóng đá nước nhà từng bước, từng bước…
Duy Ân (Pháp luật TP.HCM)