Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, tết ở miền Tây rất êm đềm và nhiều kỷ niệm.
Chiều 30 Tết là chiều sum họp, tết sum vầy. Gia đình nào cũng rộn rã với con cháu sum họp gia đình để chung vui bữa cơm chiều đón rước ông bà. Bữa cơm chiều 30 Tết, gọi là mâm cơm rước ông bà nên có nhiều món ngon truyền thống. Những món ăn trên mâm cơm này thường có: thịt kho rệu, canh chua, hoặc canh khổ qua, cá lóc nước trui, thịt luộc, dưa hấu… Nhiều gia đình ý tứ hơn còn cúng những món ăn mà cha mẹ, ông bà ngày xưa thích ăn trong đời thường.
Từ 25 tháng chạp, nhiều gia đình trong xóm tôi bắt đầu tát mương bắt cá. Mương vườn thường dài 50-70m, rộng 1-3 m. Mương này trong năm không tát, chỉ để dành cho ngày tết nên khi tát phải huy động bà con thân thuộc và trai tráng tát phụ. Mương vườn có đến hàng ngàn mét khối nước, tát mương chỉ dùng gầu giai. Đây là loại gầu có dây khoảng 4m cho mỗi bên, hai người đứng hai bên cùng múc nước để tát.
Tát gầu giai rất nhịp ngàng. Gầu giai làm bằng tre đương, dây gầu giai làm bằng dây thừng chắc chắn. Mỗi gầu tát ra được khoảng 30-40 lít nước. Người dân thay phiên nhau tát nước, chừng nào cạn mương thì bắt cá, bắt tôm bắt lương, bắt rắn…
Những thành quả từ tát mương trong những ngày giáp tết dành để phục vụ cho 3 ngày tết, để chế biến món ngon cúng ông bà, đãi khách. Trong đó lươn, rắn, rùa thì được ăn trước tết còn tôm cá lóc dành cho ngày tết.
Chiều 30 Tết sau khi cúng ông bà xong, những người thân thuộc, những bậc trưởng thượng trong gia đình bắt đầu ngồi mâm nhậu chờ giao thừa, chờ nồi bánh tét. Đèn măng xông thắp sáng choang hòa với những tiếng nói cười rộn rã làm cho đêm 30 Tết thêm vui vẻ, rộn ràng. Trẻ em thì bắt đầu được mặc áo mới, được tới lui nhà những người bà con xung quanh với niềm vui xuân, được ăn ngon và chờ sáng mùng 1 được dịp mừng tuổi ông bà, được lì xì.
Hằng năm bước vào tháng chạp quê tôi bắt đầu lo tết: Trồng rau cải cho ngày tết; quết bánh phồng, tráng bánh; phơi chuối khô để làm kẹo mứt. Ngày đó, tình nghĩa xóm làng, tình bà con rất sâu nặng. Tráng bánh, quết bánh phồng đều có cách làm vần công.
Thời đó quê tôi làm lúa mùa nên nhà nào cũng có dự trữ rơm chất thành đống để làm chất đốt cho trâu bò ăn và nướng bánh tráng bánh phồng trong ngày xuân. Tết đến, có rơm nướng cá lóc mà dân miền Tây gọi là lóc nướng trui. Rơm cháy hết, lấy thanh tre gạt lửa ra, cá lóc chín vàng, mùi thơm từ việc nướng trui hấp dẫn khó quên trong đời. Cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng với rau thơm chấm nước mắm me hay mắm nêm ăn rất ngon. Thời đó tôm càng xanh rất nhiều, để chuẩn bị tết, bắt được tôm cho vào rọng treo dưới bến sông trước nhà, có khách đến là kéo rọng lên bắt vài con lên nướng hoặc kho tàu là ăn thật ngon. Ngày đó, đều là tôm sông, tôm ruộng chứ không phải tôm nuôi như ngày nay.
Ngày đó làng quê miền Tây còn nghèo nên tết thường hay có cảnh làm heo chia thịt, sản phẩm thu đổi lại là lúa. Thường 1 ký thịt ba rọi bằng 1 giạ lúa. Khi nào làm lúa xong thì đong lúa trả nợ thịt tết. Ngày đó, miền Tây chỉ làm lúa mùa, mỗi năm chỉ một vụ lúa, lúa chín sau tết nên đa số không có lúa để bán lấy tiền mua sắm tết.
Khi đến gần giao thừa khách khứa ai về nhà nấy để chuẩn bị cúng giao thừa, ba tôi cũng lo mâm cúng giao thừa đàng hoàng tử tế. Mâm cúng thường có bùa nêu chữ Hán, có vàng bạc, có trầu xanh, cao tầm dung màu đỏ… Trên mâm cúng bao giờ cũng có bánh, mứt, dưa hấu, bánh tét…
Khi pháo giao thừa nổ vang đầu xóm, khi đồng hồ đã điểm giờ phút giao thừa, gia đình tôi cùng bà con trong xóm cùng cúng giao thừa. Kết thúc một ngày cuối năm và chuẩn bị cho ngày mới, năm mới với bao nhiêu ước mơ hi vọng về một năm mới.
Chú thích video: Nấu bánh tét - Văn Kim Khanh