Hàng ngàn doanh nghiệp và các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc rao bán nhà xưởng nếu như Donald Trump thực sự tăng mức áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thậm chí chưa cần đến mức 45% như đã đe dọa.

Chính sách của Donald Trump có thể xóa sổ hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc

Nhàn Đàm | 22/03/2017, 05:46

Hàng ngàn doanh nghiệp và các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc rao bán nhà xưởng nếu như Donald Trump thực sự tăng mức áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thậm chí chưa cần đến mức 45% như đã đe dọa.

Nhà máy sản xuất thủy tinh của Eric Li, một doanh nhân tại phía đông nam Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản dù các sản phẩm bóng đèn của công ty này đang có mặt rộng rãi trên kệ hàng của các siêu thị khắp trên cả nước. Một phần nguyên nhân đến từ việc gia tăng chi phí nhân công cũng như các quy định về thuế ngày càng chặt chẽ hơn từ phía chính quyền, nhưng chính những nguy cơ từ việc bị tăng mức áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump mới là thứ kết liễu doanh nghiệp của Li.

Ba trong số bốn lò nung thủy tinh của công ty Huizhou Baizhan Glass Ltd của Eric Li đã buộc phải ngưng hoạt động, trong khi số công nhân làm việc tại các xưởng sản xuất ra những chiếc bóng đèn và bình hoa xuất khẩu sang thị trường Mỹ của doanh nhân này đã giảm xuống còn khoảng 150 người so với con số 1.000 người cách đây một thập kỷ. Lợi nhuận của nhà máy đã sụt giảm mạnh và Li cho biết số phận của nhà máy thủy tinh vốn được người cha đến từ Đài Loan của mình thành lập vào năm 1991 đang như chỉ treo chuông. Li cho biết: “Nếu mức áp thuế nhập khẩu tăng thêm, cuộc chơi coi như chấm dứt với chúng tôi. Chúng tôi không còn khả năng chịu thêm bất kỳ chi phí nào khác”.

Hàng ngàn doanh nghiệp và các nhà máy sản xuất quy mô vừa và nhỏ ở Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự, trong đó hầu hết các chủ công ty hiện đang cân nhắc việc đóng cửa hoặc rao bán nhà xưởng nếu như Donald Trump thực sự tăng mức áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thậm chí chưa cần đến mức 45% như vị tỷ phú này đã đe dọa. Dù những doanh nghiệp sản xuất quần áo, đồ chơi và hàng gia dụng này của Trung Quốc hàng năm xuất khẩu vào thị trường Mỹ lượng hàng hóa trị giá lên tới khoảng 462 tỉ USD mỗi năm, nhưng không đồng nghĩa với việc họ có đủ khả năng tài chính để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn về những đe dọa nâng thuế của ông Trump. Nếu điều đó xảy ra, hoặc họ sẽ phải tìm cách đóng cửa công ty, hoặc phải chuyển nhà xưởng sang các nước Đông Nam Á nơi không thuộc diện bị áp thuế của Mỹ như Trung Quốc.

Karel Eloot, đối tác cao cấp của McKinsey&Co có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết: “Các công ty quy mô vừa và nhỏ có xu hướng tập trung vào một lĩnh vực nhất định và không có được sự linh hoạt và đa dạng trong sản xuất như các công ty lớn. Họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu như Mỹ tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần cáo buộc Trung Quốc về những hành vi mà ông gọi là thương mại không công bằng, và là nước thuộc diện thao túng tỷ giá tiền tệ. Tân bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross vào đầu tháng 3.2017 đã tuyên bố các biện pháp xử lý với Trung Quốc sẽ được công bố ngay khi chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên trong vài ngày gần đây tình hình có vẻ như đã dịu đi, khi một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống Trump là Steve Schwarzman tuyên bố, người đứng đầu Nhà Trắng có xu hướng giảm bớt các lời công kích đối với Trung Quốc trong thời gian qua.

Nếu ông Trump thực hiện lời hứa tăng thuế lên 45%, Trung Quốc có thể áp dụng hàng loạt các biện pháp trả đũa trong đó có việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như máy bay Boeing, iPhone và các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra về thuế và chống độc quyền. Ông Eddy Li, Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất Trung Quốc tại Hồng Kông, cho biết: “Có quá nhiều nguy cơ và hệ quả nếu như một cuộc chiến thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế. Mặc dù chúng tôi vẫn đang đề phòng cho trường hợp xấu nhất xảy ra, nhưng hiện tại thì mọi thứ vẫn đang khá lạc quan”.

Theo đánh giá, bất cứ một mức áp thuế nào của tổng thống Trump với hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ không làm khó được các công ty trị giá hàng tỷ USD của nước này, đặc biệt là các công ty đang có quan hệ làm ăn quy mô lớn với các tập đoàn Mỹ như Hon Hai Precision Industry và Yue Yuen Industrial Holdings, khi hai công ty này đang lắp ráp các sản phẩm iPhone và Nike. Tuy nhiên nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc vốn cũng đang phải vật lộn với các vấn đề như tăng lương, đóng bảo hiểm xã hội và phí môi trường đang ngày càng tăng. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, chính các công ty tư nhân trong đó phần lớn là các công ty vừa và nhỏ đã chiếm tới 45% lượng hàng xuất khẩu của nước này trong 2 tháng đầu năm 2017.

Steve Maurer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Alix Partners có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết trong suốt một thập kỷ qua chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng khoảng 85% so với ở Mỹ. Kết quả là hàng hóa của Trung Quốc đang ngày càng đắt hơn. Chi phí sản xuất trong tháng 2.2017 đã tăng 7,8% và là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008.

Trong bối cảnh đó, không khó hiểu khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển nhà xưởng ra nước ngoài. Tập đoàn sản xuất đồ chơi Lung Cheong đã chuyển gần như tất cả dây chuyền sản xuất sang Indonesia để giảm chi phí, 70% doanh thu của tập đoàn này đến từ thị trường Mỹ. Chủ tịch tập đoàn này cho biết: “Ngay cả khi Mỹ chỉ tăng mức áp thuế thêm 10% cũng đủ để các công ty Trung Quốc phải vật lộn với khó khăn. Nếu như không chuyển nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc, thì họ chỉ có thể bán nhà máy với mức giá tốt nhất có thể và nghĩ đến việc nghỉ hưu”. Tại nhà máy sản xuất thủy tinh của Eric Li, mức lương đã tăng gấp 3 lần và đạt khoảng 9.000 nhân dân tệ (khoảng 1.014 USD) trong khi lợi nhuận thu được trên mỗi sản phẩm đã giảm khoảng 10% so với cách đây 9 năm.

Các doanh nghiệp khác tại Huizhou thì thậm chí còn tệ hơn. Chủ tịch Bosco Chang của công ty Jia Yang Industrial chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa, cho biết công ty ông đang bắt đầu đóng cửa từng phần nhà xưởng. Lương tại công Jia Yang đã tăng lên mức 8,5 nhân dân tệ một giờ từ mức 3,3 nhân dân tệ cách đây một thập kỷ, và số lượng lao động đã giảm từ 500 xuống hiện còn 80. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn như của Eric Li hay Bosco Chang đều có quy mô vừa và nhỏ, doanh thu từ 10-20 triệu nhân dân tệ mỗi năm và hầu hết đều đến từ việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách của Donald Trump có thể xóa sổ hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc