Tuyên bố chung của hội nghị G20 lần này được đánh giá là ít có ý nghĩa nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, khi nó chỉ được coi như một sự thỏa hiệp để cứu vãn tình hình trước sự bất đồng quá lớn giữa các nước về vấn đề thương mại toàn cầu.

Tranh cãi ở hội nghị G20: Làm nóng căng thẳng giữa Mỹ với Đức, Trung Quốc

Nhàn Đàm | 21/03/2017, 06:05

Tuyên bố chung của hội nghị G20 lần này được đánh giá là ít có ý nghĩa nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, khi nó chỉ được coi như một sự thỏa hiệp để cứu vãn tình hình trước sự bất đồng quá lớn giữa các nước về vấn đề thương mại toàn cầu.

Khi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) quay trở về từ hội nghị diễn ra tại Baden-Baden (Đức), họ có thể sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước thất vọng, khi mà cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên với chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã không mang lại một điều gì tích cực cụ thể.

Cuộc họp của G20 diễn ra vào cuối tuần qua tại Đức như thường lệ vẫn duy trì truyền thống cũ là đưa ra một tuyên bố chung, nhưng bản tuyên bố lần này lại thiếu đi tính tích cực cần thiết và tỏ ra khá mù mờ. Nó chỉ đưa ra những ám chỉ khá mờ nhạt về tầm quan trọng của tự do thương mại, nhưng lại không có cam kết một cách rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ thương mại trên toàn cầu. Trong cuộc gần nhất vào tháng 7 năm ngoái, G20 đã cam kết sẽ cùng nhau chống lại tất cả các hình thức bảo hộ, tuy nhiên cam kết đó hiện tại đã không còn được duy trì khi bị thách thức bởi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với chiến thắng dành cho Donald Trump. Trước khi Donald Trump và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của các nước thành viên G20 gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 7 tới tại Hamburg, những người đồng cấp của tổng thống Mỹ sẽ chỉ có khoảng hơn 100 ngày để đánh giá một cách chính xác lập trường của người đứng đầu Nhà Trắng trước khi đưa ra lựa chọn xem họ sẽ làm gì với bức tranh thương mại toàn cầu trong tương lai gần.

Chuyên gia kinh tế trưởng của UBS Wealth Management có trụ sở ở London, Paul Donovan, cho biết: “Dù G20 tuyên bố muốn tránh chủ nghĩa bảo hộ nhưng họ không nhất thiết phải thực hiện điều đó một cách hoàn toàn trên thực tế. Các hình thức bảo hộ trên thực tế đã gia tăng một cách âm thầm tại các nước G20 trong vài năm trở lại đây dù họ không tuyên bố một cách công khai. Tuy nhiên chính quyền mới của Mỹ lại đang đặt ra vấn đề một cách công khai và ở mức độ lớn nhất từng thấy, và điều đó là không hề dễ dàng được chấp nhận”.

Trên thực tế, đã xuất hiện một cuộc tranh cãi khá gay gắt trong hội nghị G20 tại Đức lần này về các vấn đề thương mại, nhiều nhà lãnh đạo nghi ngờ việc hội nghị có thể đưa ra một tuyên bố chung như thường lệ trước những bất đồng quá lớn. Phái đoàn Mỹ, đứng đầu là tân Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, muốn có một sự thay đổi trong bức tranh thương mại toàn cầu theo hướng “công bằng” hơn, trong khi đó Trung Quốc lại phản đối và cho rằng điều đó đi ngược lại với các quy định hiện hành dựa trên luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này dẫn đến việc, tuyên bố chung của hội nghị G20 lần này được đánh giá là ít có ý nghĩa nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Không ít nhà lãnh đạo G20 cho rằng, tuyên bố chung lần này chỉ là một sự thỏa hiệp để cứu vãn những gì còn sót lại một cách hiếm hoi được tất cả thành viên G20 đồng thuận. Ủy viên Liên minh châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính, ông Pierre Moscovici, cho biết: “Tuyên bố chung lần này ít nhất cũng đã giúp thế giới không rơi vào tình cảnh của những năm 1930 (đại khủng hoảng kinh tế) hay sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (khủng hoảng kinh tế Mỹ 2007), nó vẫn giúp ít nhất là duy trì nguyên trạng hệ thống thương mại toàn cầu ở thời điểm hiện tại mà không có những xáo trộn nguy hiểm”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng đưa ra lời kêu gọi nỗ lực bảo vệ tự do thương mại, rằng thị trường toàn cầu cần phải được mở và công bằng. Bà Merkel tuyên bố: “Tất nhiên tất cả chúng tôi đều muốn một thị trường công bằng cho tất cả, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn tạo ra những rào cản”. Tuyên bố của bà Merkel được xem là nhắm đến tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông liên tục nhắc đến sự thiếu công bằng trong quan hệ thương mại Mỹ-Đức trong cuộc gặp cách đây ít ngày.

Bất chấp những trục trặc tại hội nghị G20 ở Baden-Baden lần này, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra khá lạc quan. Isabella Mateos y Lago, nhà chiến lược của BlackRock Investment Institute, cho biết: “Việc tân bộ trưởng Tài chính Mỹ tham dự hội nghị G20 lần này là một động thái có ý nghĩa rất tích cực, đặc biệt là trong thời điểm chính quyền mới của Mỹ tỏ ra ít quan tâm đến hợp tác thương mại toàn cầu hơn. Dù thế nào đi nữa, vấn đề là những gì mà Mỹ sẽ làm trong thực tế, chứ không phải là họ nói gì”.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại hội nghị G20 ở Đức lần này là vấn đề tỷ giá tiền tệ. Dù chính phủ của tổng thống Donald Trump trước đó đã chỉ trích khá gay gắt vấn đề thâm hụt trong quan hệ thương mại với Đức và Trung Quốc cũng như việc cả 2 nước này đều có trong danh sách thao túng tiền tệ của Nhà Trắng, thì các quan chức Mỹ tại hội nghị G20 vẫn ký vào bản tuyên bố chung trong đó có nội dung: “tất cả các nước sẽ cố gắng kiềm chế sự mất cân bằng trong cạnh tranh và cam kết sẽ không vì mục tiêu cạnh tranh mà chạm đến vấn đề điều chỉnh tỷ giá”. Điều này đồng nghĩa với việc, các quan chức Mỹ tại hội nghị như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vẫn có sự tôn trọng và tin tưởng nhất định đối với các nước G20 về tỷ giá tiền tệ.

Theo Paul Donovan, vấn đề tranh cãi giữa bảo hộ hay ủng hộ tự do thương mại tại hội nghị G20 lần này dường như không cần thiết, khi đây là một vấn đề đã lỗi thời ít nhất là từ một phần tư thế kỷ trước. Các nước thành viên G20 đều quá tập trung vào thương mại vật chất mà đã bỏ qua sự thay đổi về tính chất của nền kinh tế. Chẳng hạn như những tuyên bố của Donald Trump về mức thâm hụt thương mại mà Mỹ phải gánh chịu dường như đã bỏ sót một thực tế rằng nước Mỹ đã có một khoản thặng dư thương mại về dịch vụ lên tới 248 tỉ USD, bao gồm xuất khẩu các dịch vụ như giáo dục hay phần mềm.

Nói cách khác, thương mại thế giới đang thay đổi chóng mặt trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong khi đó các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế hàng đầu thế giới thì vẫn đi tranh cãi về thương mại như thể đây vẫn là thời thịnh vượng của chủ nghĩa trọng thương cách đây vài thế kỷ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
5 phút trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi ở hội nghị G20: Làm nóng căng thẳng giữa Mỹ với Đức, Trung Quốc