Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2023.

Chính thức ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Tú Viên | 06/07/2023, 18:55

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2023.

Trong Nghị quyết 98, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông sẽ cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận, các nhà ga thuộc tuyến đường sắt; vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3; thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

phong-canh-tp-hcm-anh-doc-lap-47-1353.jpeg
Một góc TP.HCM - Ảnh: Internet

Các chính sách về xây dựng nhà ở xã hội cũng được quy định trong nghị quyết. Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với đồ án quy hoạch chi tiết; được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác tương đương về quy mô, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; quy định các loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội…

Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng cho phép TP.HCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án này. TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu, với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách TP.HCM.

Đáng lưu ý, Nghị quyết 98 cho phép UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ 2 - 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác.

Về tài chính, nghị quyết quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), gồm cả tăng vốn điều lệ từ nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP.HCM, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. TP.HCM được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

TP.HCM được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu và ban hành quy chế thu chi, đảm bảo tính minh bạch. Nghị quyết 98 cũng cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách TP.HCM được hưởng 100%.

Cùng với đó, nghị quyết cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn TP.HCM lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở…

Liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố, nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

UBND huyện thuộc thành phố có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính thức ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM