Theo ĐBQH Phạm Minh Chính, biên chế thời gian qua không giảm mà tăng, khiến chi tiêu thường xuyên tăng lên. Nếu năm 2017 và 2018, mỗi năm chỉ tiết kiệm chỉ 1% chi thường xuyên thì đã được mỗi năm hơn 10.000 tỉ đồng để làm dự án.
Chiều 8.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lấy tiền đâu để làm dự án?
Phát biểu tại hội trường, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều đồng tình với phương án tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần. Tuy nhiên, một số đại biểu có ý kiến khác và đề nghị cần tuân thủ luật.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, ai cũng mong muốn dự án được triển khai nhanh, tuy nhiên, mong muốn là một chuyện nhưng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. “Khi có báo cáo khả thithì mới quyết định đầu tư, rồi mới giải phóng mặt bằng (GPMB). Chưa có quyết định đầu tư đã GPMB là sai. Quốc hội làm ra luật thì phải tuân thủ theo luật. Tuy nhiên, nếu tuân thủ điều này thì Chính phủ không thể GPMB trước”.
Một lo lắng khác nữa là chi phí GPMB lên tới 23.000 tỉ đồngtrong khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn đến năm 2020 chỉ có 5.000tỉ đồng. Nguồn tiền để triển khai dự án này là điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
Về nguồn vốn, ông Bùi Văn Phương cho rằng, dự án này cũng không phải cấp bách, đột xuất nên không thể dùng nguồn vốn dự phòng. “Trước kia khi tìm phương án xây dựng sân bay Long Thành thì nói rằng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải, không phát triển thêm được, nhưng đến bây giờ thì lại nói là Tân Sơn Nhất vẫn cải tạo được, thêm đường lăn, thêm bến đỗ và công suất tăng lên 43 – 45 triệu khách/năm”.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), bài toán khó khăn nhất là kinh phí GPMB. Chính phủ cần giải trình rõ nguồn tiền lấy ở đâu.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng việc thu hồi đất rồi nhưng mới triển khai được giai đoạn 1 của dự án liệu có lãng phí đất hay không? Có ngăn được tái lấn chiếm của người dân hay không? Nếu không tính toán sẽ gây lãng phí, gây bức xúc cho người dân.
Đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho rằngđể có nguồn vốn triển khai dự án, Chính phủ cần nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế đặc biệt cho việc GPMB, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước. Theo vị này, biên chế thời gian qua không giảm mà tăng, làm cho chi tiêu thường xuyên tăng lên. Dự kiến năm 2017 chiếm 64,9% GDP, tăng so với năm 2015 là 114.000 tỉ đồng. Nếu năm 2017 và 2018, mỗi năm chỉ tiết kiệm chỉ 1% chi thường xuyên thì đã được mỗi năm hơn 10.000tỉ đồngđể làm dự án.
“Chúng ta cần giảm đầu mối và giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị trong 2 năm là có được tiền làm việc này”, ông Chính nói.
Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân, theo tờ trình, chi phí cho dự án này là 23.000 tỉ đồng, trong khi vốn đầu tư công trung hạn chỉ có 5.000 tỉ đồng, cùng với tiền ứng trước từ các trung tâm dịch vụ thương mại, khai thác đất tái định cư khoảng 5.500 tỉ đồng. Như vậy còn thiếu hơn 10.000tỉ đồngnữa, Bộ GTVT cho rằng sẽ lấy ở ngân sách dự phòng. Tuy nhiên, ngân sách dự phòng chỉ dùng cho những công trình thực sự cấp bách, cần thiết, phát sinh mới còn dự án này không nằm trong diện đó.
Nghị quyết 94 đòi hỏi giải quyết chậm nhất giai đoạn 1 của dự án ở năm 2025, nếu không bố trí được vốn thì Chính phủ sẽ giải quyết bài toán này thế nào?
“Tôi thấy ý kiến của đại biểu Phạm Minh Chính rất đáng xem xét. Đó là nên giảm biên chế, giảm chi thường xuyên”.
Nếu GPMB rồi nhưng báo cáo khả thi không được thông qua thì sao?
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình và nhất trí với phương án của Chính phủ trình nhưng đại biểu này đặt vấn đề, khi đáp ứng về kinh phí thì tiến độ GPMB có đảm bảo không? Vì lý do nào đó, báo cáo khả thi không đủ điều kiện, không được Quốc hội thông qua thì làm thế nào? Đại biểu này cho rằng vấn đề này phải được làm rõ.
Cùng góc nhìn, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Nghị quyết 94 là Nghị quyết đồng ý về chủ trương nhưng chủ trương đó có điều kiện, đó là Chính phủ phải có báo cáo khả thi trước khi có quyết định đầu tư. Như vậy, có thể hiểu là để làm một cái nhà thì chúng ta phải có phương án kiến trúc chứ không thể tiến hành làm sân, làm bếp trước khi có kiến trúc căn nhà.
Cũng theo vị này, Nghị quyết 94 quy định hàng năm Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội nhưng 2 năm nay, đây là lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội mà lại báo cáo thay đổi nội dung có liên quan đến Nghị quyết 94. "Tôi cho rằng Chính phủ nên rút kinh nghiệm sâu sắc về điều này",đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Việc tách dự án thành phầnra cũng đáp ứng được sự bức xúc người dân chịu tác động của dự án. Giá như Chính phủ báo cáo trình Quốc hội cùng với chủ trương thông quasân bay Long Thành thì không vấn đề gì, nhưng đến nay mới trình ra thì nảy sinh mâu thuẫn lànếu như Quốc hội không thông qua báo cáo khả thi thì độ rủi ro rất lớn.
Do đó, vị này cho rằng Báo cáo giải trình của Bộ GTVT cũng chưa thuyết phục và cần phải làm rõ thêm điều này.
Tờ trình của Chính phủ trước đó cho biết, cần ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác GPMB giai đoạn 1 của dự án. Nếu Quốc hội cho phép tách dự án trước khi thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức công tác GPMB song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Nếu Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng để phù hợp với tiến độ đưa sân bay Long Thành vào khai thác từ năm 2025. Còn nếu không được tách thì năm 2019 tỉnh Đồng Nai mới có thể triển khaigiải phóng mặt bằng5.000 ha đất. Khi đó việc triển khai thi công sẽ phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng và kéo dài thời gian thực hiện dự án 2-3 năm, đồng thời giá đất sẽ tăng thêm.
Hoài Phong