Đôi khi đọc báo, ta bắt gặp những hình ảnh được mô tả hoặc diễn đạt rất… buồn cười. Vừa rồi, nhiều báo đang đăng tin về một vụ tai nạn giao thông tại TP.HCM. Vụ việc thu hút sự quan tâm bởi xe bị nạn không phải loại thường mà là chiếc siêu xe Ferrari trị giá mấy tỉ đồng.

Chổng vó, trực diện

22/10/2016, 17:28

Đôi khi đọc báo, ta bắt gặp những hình ảnh được mô tả hoặc diễn đạt rất… buồn cười. Vừa rồi, nhiều báo đang đăng tin về một vụ tai nạn giao thông tại TP.HCM. Vụ việc thu hút sự quan tâm bởi xe bị nạn không phải loại thường mà là chiếc siêu xe Ferrari trị giá mấy tỉ đồng.

Xe bị tai nạn ngã đổ nghiêng thế này cũng không thể gọi là chổng vó.

Báo mô tả nó (siêu xe) lao lên dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ, nằm chênh vênh trên dải xi măng cao hẫng cả 4 bánh không bám đất nhưng lại dùng từ "chỏng vó" để tạo ấn tượng. Mà chẳng riêng vụ này, cứ đọc báo thì thấy khá nhiều xe ô tô bị tai nạn nằm nghiêng cũng được gọi là "chỏng vó".

Chỏng (hoặc chổng) là từ Việt cổ để chỉ việc phơi bày ra (cái gì đó) lên phía trên cao, ví dụ chổng mông; chỉ trường hợp bị ngã ngửa ra, phơi cái bụng lên, giơ ngược lên trên những bộ phận vốn nằm phía dưới (chân, bánh xe) của vật thể. Vó là cái chân, bàn chân của loài thú 4 chân bộ móng guốc như ngựa, trâu, bò, nếu áp dụng vào người thì để chỉ cả tay lẫn chân (khi nói ai đó ngã chổng vó thường là để nhằm đùa vui, tếu táo), vào cái xe ô tô thì là 4 bánh xe. Người ta hay nhắc vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đã từng tung hoành khắp lục địa Á - Âu. Nói về thời gian trôi nhanh, thiên hạ thường ví "vó câu qua cửa sổ" (câu là con ngựa, thứ ngựa đang lúc sung sức nhất). Ngã chỏng vó (chổng vó) tức là ngã ngửa ra, giơ cả 4 chân (con vật), cả chân và tay lên trời (con người), cái xe phơi cả 4 bánh lên trời (xe cộ). Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương khi ra đường trơn bị ngã ngửa, giơ cả hai tay hai chân lên trời (chổng vó) nên chúng bạn cười, nhưng vốn là người thông minh, ứng biến giỏi, lại hay thơ, bà liền ứng khẩu "Giơ tay với thử trời cao thấp/Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài", biến cái dở thành cái hay, cái thua thành sự được. Trong trường hợp siêu xe Ferrari nói trên, xe leo dải phân cách thì nó đang nằm trên dải chứ có ngửa đâu mà chỏng với chổng.

Cũng chuyện xe cộ bị tai nạn, có nhà báo miêu tả chiếc xe 4 chỗ của người bị nạn húc vào đuôi xe container bị nát bét đầu nhưng lại viết hai xe đâm trực diện. Trực và diện đều là từ Hán Việt. "Trực" có nghĩa là thẳng, ngay thẳng, không cong queo. Trực ngôn là lời nói ngay thẳng, trực tuyến là đường thẳng. "Diện" có nghĩa cái mặt, mặt ngoài, bề mặt, thường ở phía trước; đối đầu trực diện có nghĩa 2 cái mặt đối thẳng vào nhau.

"Tông" trong trường hợp này là từ thuần Việt, có nghĩa đâm vào, lao vào, lao tới cái gì đó với lực rất mạnh. Hai cái xe tông vào nhau tức là chúng chạy ngược chiều nhau, đâm thẳng vào nhau. Hai xe chạy cùng chiều mà xe sau chạy quá nhanh hoặc vì lý do gì đó đâm vào phía sau xe trước cũng gọi là tông, nhưng xe sau tông, còn xe trước bị tông. Húc vào đuôi xe thì sao lại gọi hai xe đâm trực diện được.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chổng vó, trực diện