Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
Cuộc chiến khốc liệt nhất trong 3 kỳ chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần

Nghệ thuật hành quân của nhà Trần khiến quân Nguyên thất điên bát đảo

21/10/2016, 06:48

Sau một cuộc trốn tìm, rượt đuổi đầy kịch tính với quân địch, cuối cùng quân đội và triều đình Đại Việt cũng loại bỏ hoàn toàn sự truy đuổi của quân Nguyên để vượt biển hướng vào Thanh Hóa, bấy giờ là “đất trống” khi Toa Đô đã đi qua.

Truy binh của quân Mông

Các kỳ trước

Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2

Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu

Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động

Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt

Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc

Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành​

Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh

Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt​

Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?​

Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành

Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp

Kỳ 13: Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long

Kỳ 14: Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm​

Kỳ 15: Tướng nhà Trần không thèm ăn cơm của giặc phương Bắc

Kỳ 16: Hưng Đạo Vương xuất binh, quân Nguyên mất Vạn Kiếp

Kỳ 17: Tội của Việt gian, nước sông không rửa sạch

1. Chiến dịch phản công thất bại:
Gần như cùng lúc với quãng thời gian mà Thượng tướng Trần Quang Khải giao chiến với Toa Đô ở vùng Thanh Hóa thì ở vùng đồng bằng sông Hồng, vua Trần ráo riết chuẩn bị phản công nhằm vào khối quân của Thoát Hoan. Kế hoạch phản công này dựa trên những lợi thế mà quân ta có được lúc bấy giờ.
Lúc này, quân Nguyên không còn lợi thế binh lực tập trung nhưng ban đầu khi mới tiến sang. Do không thể bắt được đầu não, tiêu diệt lực lượng của quân Đại Việt nên địch buộc phải chuyển sang kế sách lâu dài. Quân Nguyên buộc phải dàn mỏng lực lượng chiếm đóng và bảo vệ các tuyến hậu cần, liên lạc khá vất vả mà vẫn không đảm bảo thông suốt trước sức tấn công của quân dân các địa phương nằm trên các tuyến đường mà địch đã tiến quân qua. Trong khi đó, quân Đại Việt vẫn gần như làm chủ hoàn toàn vùng sông nước ven biển phía đông đồng bằng sông Hồng. Quân ta có hậu cần đầy đủ với nhiều kho tàng đã được chuẩn bị từ trước rải rác khắp lãnh thổ.
Hưng Đạo vương đã đem một phần lực lượng lên phía bắc tái chiếm Vạn Kiếp, khiến cho quân Nguyên rơi vào thế “ở lơ lửng quãng giữa” như lời của A Lý Hải Nha tấu về với Nguyên chủ Hốt Tất Liệt. Quân Nguyên rơi vào thế bị động và đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thuốc men. Trước tình hình đó, vua Trần Nhân Tông quyết định tổ chức một chiến dịch phản công, xuất phát từ Thiên Trường, Trường Yên theo sông Hồng đánh lên, hòng phá tan quân của Thoát Hoan, tái chiếm lại kinh thành Thăng Long.
Chiến dịch phản công này của vua Trần đã có phần nóng vội, khi thời cơ chưa thực sự chín muồi. Mặc dù quân Nguyên dưới trướng Thoát Hoan đang trên đà suy yếu nhưng vẫn còn rất đông và mạnh, trong khi đó quân của Toa Đô lại đang thắng thế ở mặt trận Thanh Nghệ. Phát hiện sự chuyển quân của vua Trần, Thoát Hoan lập tức dồn quân để đối phó. Quân Đại Việt đánh quân Nguyên từ Thiên Trường đến Thiên Mạc thì đụng trận lớn với quân Nguyên ở khúc sông Đại Hoàng (nay thuộc Lý Nhân, Hà Nam) vào ngày 10.3.1285. Quân Nguyên còn mạnh và đang mong chờ đánh một trận lớn với quân đội chủ lực nhà Trần. Vì vậy mà chúng đánh rất hăng. Quân Đại Việt gặp bất lợi, vua Trần Nhân Tông lại phải hạ lệnh rút lui về Thiên Trường để tránh tổn thất lớn. Hưng Đạo vương đang đóng quân ở Vạn Kiếp thì hay tin vua Trần thất thế ở Đại Hoàng, bèn gấp rút bỏ Vạn Kiếp mà dẫn quân về Thiên Trường tiếp ứng. Thoát Hoan lần này rất sợ vồ hụt vua Trần như lần trước, hắn điều động toàn lực tổ chức một cuộc càn quét, truy đuổi vào khắp các vùng ven biển phía đông.
Toa Đô lúc này cũng từ nam tiến ra hội quân, đóng ở Trường Yên. Có thêm những lực lượng thủy quân tinh nhuệ từ cánh quân của Toa Đô, Thoát Hoan càng có thêm nhiều sức mạnh. Quân Nguyên gom phần lớn lực lượng tổ chức một cuộc tấn công tổng lực vào Thiên Trường, hòng phá nát căn cứ địa của quân Đại Việt, bắt giết vua và Thượng hoàng.
Hưng Đạo vương về đến Thiên Trường, hội quân với vua Trần rút từ sông Đại Hoàng về đây. Bấy giờ binh thuyền bị hao tổn, sĩ khí xuống thấp. Hưng Đạo vương cùng vua Trần bàn nhau tổ chức một chiến dịch nghi binh và rút lui để đối phó với đòn tấn công của Thoát Hoan. Một loạt cuộc hành quân theo dọc ven biển đã khiến cho Thoát Hoan chẳng còn biết đâu mà tìm vua tôi nhà Trần.


2. Cuộc trốn tìm, rượt đuổi trên vùng ven biển:
Bắt đầu chiến dịch nghi binh – rút lui khi Thoát Hoan đánh xuống Thiên Trường, quân đội và triều đình Đại Việt đều xuống thuyền rút ra biển theo cửa Giao Hải (cửa biển Giao Thủy, Nam Định ngày nay). Thoát Hoan đuổi đến đây thì mất dấu vua Trần, hắn dùng thủy quân dò xét nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi.Trong khi đó, vua Trần dẫn đại quân vượt biển ngược lên phía bắc, ghé vào Tam Trĩ Nguyên (thuộc Ba Chẽ, Quảng Ninh ngày nay).
Khi đại quân và triều đình nhà Trần rút khỏi Thiên Trường, một số quý tộc và quan lại cao cấp đã hèn nhát ra hàng quân Nguyên. Đứng đầu là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Dưới Ích Tắc là Văn Chiêu hầu Trần Lộng, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn cùng Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long. Bọn người này đem cả gia quyến ra hàng giặc. Riêng trường hợp của Trần Ích Tắc, hắn đã nuôi chí phản trắc từ ngay trước khi quân Nguyên sang xâm lược. Trần Ích Tắc luôn tự phụ tài cao, vì không được truyền ngôi mà sinh lòng đối kỵ. Trước kia hắn đã ngầm đưa thư cho khách buôn ở Vân Đồn nhờ gởi sang Nguyên xin quân Nguyên nam hạ. Nay Ích Tắc dẫn gia quyến hàng giặc để mong được làm “An Nam Quốc Vương” sau khi quân Nguyên thôn tính Đại Việt.
Mất dấu vua Trần, Thoát Hoan điều động các đội thủy quân lùng sục khắp một vùng ven biển rộng lớn từ Trường Yên (thuộc Ninh Bình ngày nay) đến tận các vùng biển thuộc Khâm, Liêm (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay). Tả thừa Lý Hằng, Hữu thừa Khoan Triệt cùng các tướng Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải được giao phó trách nhiệm lùng bắt vua Trần. Lần này, Hưng Đạo vương cùng vua Trần quyết ém quân ở vùng Hải Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương ngày nay) không giao chiến, để chờ cho thời cơ thật chín muồi. Một đoàn nghi binh dùng thuyền ngự bỏ trống đi ngược lên phía bắc, ra cửa biển Ngọc Sơn (thuộc Móng Cái, Quảng Ninh ngày nay) để tiếp tục đánh lừa quân Nguyên. Trong khi đó, ngày 7.4.1285 vua Trần cùng toàn quân bỏ thuyền ở Tam Trĩ, hành quân bộ đến bến Thủy Chú (thuộc Yên Hưng, Quảng Ninh). Tại đây, đã có sẵn một đoàn thuyền lớn mà quân ta được chuẩn bị từ trước. Quan quân xuống thuyền đi ra cửa biển Nam Triệu rồi vượt biển đi vòng một mạch vào Thanh Hóa.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất


Do trúng kế nghi binh của quân ta, các cách quân Nguyên phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra tung tích của vua Trần. Khi thì có tin tức thuyền ngự vua Trần ra cửa Ngọc Sơn, tin tức khác lại báo quân ta đóng ở Tam Trĩ. Lý Hằng phải chia quân làm hai cánh, vừa ra Ngọc Sơn vừa vào Tam Trĩ. Tuy vậy thì quân Nguyên vẫn chậm chạp hơn quân Đại Việt rất nhiều. Phải đến ngày 15.4.1285 thì cánh thủy quân của Giảo Kỳ, Đường Ngột Đải chỉ huy mới đến vây Tam Trĩ. Lúc ấy thì vua Trần cùng toàn quân Đại Việt đã rời đó được tám ngày rồi. Dò biết quân ta bỏ thuyền lên bộ về Thủy Chú, quân Nguyên hành quân bộ ba ngày ba đêm đuổi theo. Đám truy binh mệt mỏi xác xơ vì hành quân liên tục không ngơi nghỉ nhưng khi đến Thủy Chú thì vua Trần cùng toàn quân Đại Việt đã dong thuyền đi rất xa rồi.
Những gì quân Nguyên thu hoạch được chỉ là đội thuyền chiến mà quân Đại Việt bỏ lại ở Tam Trĩ. Thủy quân chuyên nghiệp thì ít mà thuyền cướp được thì quá nhiều, trong khi sở trường của quân Nguyên lại là tác chiến trên bộ nên thuyền bè cũng trở nên thừa thải. Quân Nguyên phải đánh chìm bớt thuyền đi, chọn lại thuyền tốt để dùng.

3. Khích lệ lòng quân:
Sau một cuộc trốn tìm, rượt đuổi đầy kịch tính với quân địch, cuối cùng quân đội và triều đình Đại Việt cũng loại bỏ hoàn toàn sự truy đuổi của quân Nguyên để vượt biển hướng vào Thanh Hóa, bấy giờ là “đất trống” khi Toa Đô đã đi qua. Trong lúc vua và thượng hoàng phiêu bạt khắp nơi, chịu nhiều cực khổ thì Hưng Đạo vương luôn theo sát bên cạnh để hầu mưu lược. Hưng Đạo vương có dùng một chiếc gậy gỗ đầu bọc sắt nhọn để tiện đi lại ở địa hình phức tạp và dùng làm vũ khí. Trong triều thấy gậy gỗ đầu bọc sắt trông rất nhiều sát khí, vài người có ý nghi kỵ vị Quốc Công Tiết Chế. Hưng Đạo vương dò biết ý, bèn bỏ luôn cái đầu gậy bọc sắt ấy, chỉ gậy gỗ mà dùng. Mọi người thấy thế đều nhẹ lòng. Trên đường vượt biển vào nam, vua Trần Nhân Tông cho người khắc trên đuôi thuyền ngự hai câu thơ :
“Cối Kê hữu sự nhân vi kỷ
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”

Tạm dịch :
“Chuyện cũ Cối Kê người nên nhớ
Hoan Diễn vẫn còn mười vạn quân”

Ý thơ mượn điển tích Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu bị nước Ngô vây ở Cối Kê, chỉ còn có 5.000 quân trong tay nhưng về sau lật ngược được tình thế, chiếm luôn cả nước Ngô. Vua Trần muốn dùng điển tích này để nhắc nhở tướng sĩ không vì sự thất thế nhất thời mà nản chí, vì dù để mất vùng đồng bằng trung châu thì vẫn còn vùng Hoan, Diễn (chỉ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) với 10 vạn quân còn lại. Quan quân sau những cuộc hành quân tránh giặc cũng đã thấm mệt, được sự khích lệ của vua Trần nên vững lòng hơn trước thử thách. Đó là cái hay trong cách dùng binh thời Trần. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vua Trần và các tướng lĩnh cao cấp luôn biết cách giữ cho sĩ khí dâng cao.
Quân Đại Việt khó nhọc đã đành, quân Nguyên cũng chẳng khá hơn sau những chặng đường dài truy đuổi trong mệt nhọc và vô vọng. Thoát Hoan dốc toàn lực truy kích vua Trần, tuy trong nhất thời có thể chiếm thế thượng phong nhưng cái giá là hắn đã đặt quân tướng của mình vào một ván cờ mạo hiểm. Khi quân Nguyên dồn lực lượng đánh vào Thiên Trường và truy đuổi dài ngày mà không có được chiến thắng quyết định, tuyến hậu cần của chúng càng bị đánh phá ác liệt. Tại vùng biên giới Lạng Giang, quân dân vùng biên ải đã tổ chức nhiều trận mai phục cướp phá lương thực của giặc trên đường vận chuyển từ nước Nguyên sang. Mất đi một lượng đáng kể lương thực tiếp tế vốn đã hạn hẹp từ nước Nguyên sang, quân Nguyên lại mất đi nguồn lương thực có được nhờ cướp bóc trong dân do phải dồn quân đánh lớn và sự chống cự quyết liệt của dân chúng. Từ đây, quân Nguyên phải chính thức đối mặt với một khó khăn to lớn mà Hưng Đạo vương đã làm nhiều cách để chúng trước sau cũng phải gặp phải. Đó là chính là tình trạng đói khát, sự mệt mỏi và dịch bệnh bùng phát trong quân Nguyên do không quen thủy thổ.

(còn tiếp)

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

Quốc Huy

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ thuật hành quân của nhà Trần khiến quân Nguyên thất điên bát đảo