Vào đầu thế kỷ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc. Chỉ có điều người Nhật đã không tận dụng điều này để cải biến hệ thống chữ viết của họ theo hệ La Tinh nên cho đến giờ người Nhật vẫn dùng các bảng chữ phi La Tinh.
Chữ quốc ngữ xứng đáng là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nước ta. Nhờ chữ quốc ngữ, người Việt có hệ thống chữ viết riêng không phải phụ thuộc vào hệ thống chữ tượng hình phức tạp như trước. Sau khi dùng chữ quốc ngữ, chúng ta xóa tỷ lệ mù chữ rất nhanh trong thời gian ngắn. Cũng nhờ chữ quốc ngữ, Việt Nam hòa nhập với quốc tế nhanh hơn. Sẽ là không thừa nếu ôn lại sự phát triển chữ quốc ngữ.
Khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta nhắc ngay công lao của ông Alexandre de Rhodes hay còn được gọi với tên Việt là Cha Đắc Lộ. Đúng là ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh nhưng để có được bộ chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng thì đó là công sức của nhiều người. Bản thân Cha Đắc Lộ cũng không phải là người đầu tiên tìm cách ghi tiếng của người Việt bằng hệ chữ La tinh. Giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này phải kể đến cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha.
Các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 nhưng không có nhiều tài liệu ghi hoạt động của họ trong thời kỳ này. Đến đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên gồm cả người châu Âu, Nhật. Giáo sĩ De Pina đến Đàng Trong năm 1617 và là nhà truyền giáo đạo Công giáo đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp bằng ngôn ngữ này. Ông hằng chỉ trích các giáo sĩ đương thời đã không nắm vững được ngôn ngữ địa phương để đạt được mục tiêu rao giảng Phúc Âm. Ông được cho là tác giả tập Manuductio ad Linguam Tunckinensem và là người đã giúp dạy Alexandre de Rhodes học tiếng Việt, góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ cho việc truyền giáo.
Để ghi lại tiếng của người Việt thì De Pina là người đầu tiên thực hiện bằng việc dùng ký tự La Tinh của người Bồ Đào Nha. Theo cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của ông Đỗ Quang Chính viết năm 1972 (và được Trưởng ban Sử học – Đại học văn khoa Sài Gòn khi đó là Giáo sư Nguyễn Thế Anh viết lời tựa), ông Pina là giáo sĩ đầu tiên thông thạo việc giao tiếp với người Việt nên chỉ ông khi đó mới có khả năng ghi lại tiếng Việt bằng chữ La Tinh. Tuy nhiên, ý tưởng dùng chữ La Tinh để ghi chữ Việt cũng là học theo cách mà các giáo sĩ đi trước áp dụng với tiếng Nhật. Vào đầu thế kỷ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc. Chỉ có điều người Nhật đã không tận dụng điều này để cải biến hệ thống chữ viết của họ theo hệ La Tinh nên cho đến giờ người Nhật vẫn dùng các bảng chữ phi La Tinh.
Trong nguyệt san MISSI của các cha Dòng Tên năm 1961 cũng thừa nhận về chuyện trước đó 300 năm: Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.
Trong khi Nhật không tiếp nhận chữ La Tinh, thì hệ thống chữ La Tinh cho người Việt lại có sự phát triển mạnh mẽ và sử dụng rất hiệu quả sau này. Nhưng buổi ban đầu thì chữ quốc ngữ bắt đầu chập chững những bước đi đầy gian khó để trước khi hoàn hảo như hiện giờ. Năm 1620, thời điểm có những bản thảo chữ quốc ngữ đầu tiên, dù khi đó giáo sĩ Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng mà phân biệt được lối cách ngữ và các thanh trong từ như chúng ta dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1621- 1626, các chữ còn viết liền theo kiểu người châu Âu và chưa thấy đánh dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã) vào những chữ đó. Ví dụ khi viết An Nam thì các văn bản thời kỳ 1620-1626 vẫn ghi là Annam hay ghi ông nghè bằng từ Ungue. Tỉnh Quảng Nghĩa (sau đổi thành Quảng Ngãi để tránh phạm húy) lúc đó được ghi là Quamguya.
Việc khi ấy, các giáo sĩ chưa phân biệt được dấu cũng rất bình thường. Người châu Âu lần đầu khi tiếp xúc với tiếng Việt vô cùng hoang mang khi mỗi tiếng của người Việt là một từ và khi lên giọng xuống giọng lại thành một từ hoàn toàn khác. Linh mục Gio. Filippo de Marini ở Đàng Ngoài từ 1647 - 1658, cũng nhận rằng: “Một người sau khi đã học nói tiếng Việt kha khá, thì kinh nghiệm cho họ hay rằng, tiếng Việt quả là cực kỳ khó khăn”.
Linh mục Joseph Tissanier ở Đàng Ngoài từ 1658 - 1663 cũng ghi lại như sau: “Tôi xin thú nhận rằng, lúc đầu tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này”.
Chính cha Đắc Lộ cũng thừa nhận bị choáng khi lần đầu nghe tiếng Việt. Ông viết: “Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại”.
Cuối năm 1625, cha Pina qua đời nhưng việc phát triển chữ quốc ngữ không dừng lại. Cha Đắc Lộ tiếp nhận những kiến thức từ cha Pina truyền đạt trong việc ghi âm tiếng Việt bằng hệ chữ La Tinh tiếp tục phát triển để hoàn thiện tiếp.
(còn nữa)
Anh Tú