Chiều 11.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các Bộ, ngành.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM tập trung vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm cụ thể như:
Tăng cường năng lực xét nghiệm
TP.HCM yêu cầu các đơn vị đánh giá các vùng dịch tễ dựa trên số liệu các ca bệnh, lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch và phân vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện, từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm và quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và xử lý kịp thời.
Các trung tâm y tế tổ chức các đội điều tra dịch tễ (gồm lực lượng đội đáp ứng nhanh của y tế địa phương và sinh viên tình nguyện ngành y tế công cộng, y học dự phòng) phối hợp lực lượng công an địa phương truy vết nhanh từ các trường hợp F0, tìm kiếm tất cả F1 trong thời gian sớm nhất để tổ chức cách ly ngay, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR khẩn trương điều tra ngay các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để tiếp tục chuyển cách ly, xét nghiệm sớm.
Tại các ổ dịch trên địa bàn (khu vực nguy cơ rất cao): Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện xét nghiệm (mẫu gộp 5) ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ)… Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với COVID-19, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn PCR, điều tra tiếp các trường hợp tiếp xúc gần để chuyển cách ly và xét nghiệm kiểm tra sớm.
Tầm soát cộng đồng theo trọng tâm, trọng điểm (khu vực nguy cơ cao, khu vực có nguy cơ) bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10 - đại diện hộ gia đình tùy theo năng lực xét nghiệm của thành phố đảm bảo việc trả kết quả chính xác đúng hẹn và đúng thời gian (mẫu đơn trong vòng 12 giờ và mẫu gộp trong vòng 24 giờ).
Tăng cường năng lực xét nghiệm của TP.HCM thông qua sự hỗ trợ trang thiết bị (máy xét nghiệm PCR) từ các nhà tài trợ, Bộ Y tế và các địa phương trong cả nước thông qua mua sắm từ các nguồn khác. Lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng (tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại 2 - 3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao, triển khai xét nghiệm lặp lại 5 - 7 ngày/lần)
Công tác điều trị
Hiện TP.HCM tiếp tục thực hiện Kế hoạch ứng phó của khối điều trị khi có 20.000 ca nhiễm COVID-19 do Sở Y tế công bố, đồng thời chuẩn bị 50.000 giường điều trị bệnh nhân.
Chiến dịch tổ chức tiêm vắc xin đợt 5
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết chiến dịch tổ chức tiêm vắc xin đợt 5, trong đó có thành lập Trung tâm điều phối tiêm vắc xin cấp thành phố do một Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách.
Tại mỗi quận, huyện phải thành lập trung tâm tổ chức tiêm chủng do một lãnh đạo quận, huyện phụ trách với đầy đủ nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chiến dịch tiêm với 1,1 triệu liều được thực hiện trong vòng 2 - 3 tuần (tùy theo tình hình diễn biến dịch), được triển khai đến TP.Thủ Đức và các quận huyện với 312 phường, xã, mỗi phường xã tối thiểu tổ chức 2 điểm tiêm (624 điểm tiêm), hoạt động từ 8 giờ sáng đến 20 giờ mỗi ngày (1 điểm tiêm chủng tiêm cho 120 người/ngày).
TP.HCM đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho các đối tượng mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ. Thành phố sẽ hỗ trợ các đội tiêm, lực lượng tổ cấp cứu từ các bệnh viện để hỗ trợ cho các trung tâm y tế quận, huyện nhằm đảm bảo đúng tiến độ. Tại mỗi điểm tiêm có bố trí đầy đủ nhân sự, trang thiết bị, đội cấp cứu nhằm đảm bảo tiêm tới đâu, an toàn tới đó.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Tổ chức tiêm vắc xin phải đảm bảo giãn cách và 5K, phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm (người được tiêm tự khai báo), đề xuất Bộ Y tế đơn giản hóa quy trình tiêm để hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày, cập nhật đánh giá an toàn lên bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, đồng thời tiếp tục tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì dừng hoạt động ngay.
Đường dây nóng cứu trợ
Vận hành hiệu quả đường dây nóng cứu trợ để chăm lo chu đáo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, sau 2 ngày thực hiện cách ly xã hội, TP.HCM tổ chức 359 đoàn kiểm tra với 2.400 cuộc, phát hiện 527 vụ vi phạm phòng chống dịch, xử phạt hơn 1,1 tỉ đồng. Hàng hóa tại các chợ truyền thống mãi lực giảm 5%, tại các siêu thị mãi lực giảm 10%.
Ngoài ra, TP.HCM đã thành lập Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND TP.HCM hoạt động 24/24 để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Thành phố đã phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” với mục tiêu kéo giảm số F0 phát sinh trong cộng đồng trên địa bàn từng khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn; TP.Thủ Đức, quận, huyện.