Năm ngoái trận chung kết giải U-21 Quốc tế báo Thanh Niên là cuộc chạm trán giữa U-21 HA Gia Lai và U-21 Thái Lan. Lần đó Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi được mời dự khán trận đấu. Phía Việt Nam cũng có người đồng cấp Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cùng Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức…
Trận đấu đó được xem là trận đỉnh cao với số lượng khán giả được ghi vào kỷ lục của bóng đá Việt Nam - hơn 50 nghìn khán giả “nêm” cứng sân Cần Thơ…
Những diễn tiến trên sân cho thấy nó xứng đáng là một trận cầu đỉnh cao của bóng đá trẻ dành cho người hâm mộ. Không khí sùng sục của người hâm mộ cũng góp phần làm cho cầu thủ trên sân thêm hưng phấn. Việc U-21 Thái Lan vào chung kết cứ như là một cách “lựa chọn” tự nhiên trở thành trận chung kết trong mơ mà ban tổ chức không dám nghĩ tới.
Lần đó trước vòng bán kết, ngay cả Phó Ban Tổ chức giải Quang Tuyến cũng cứ nghĩ rằng trận chung kết mong đợi của giải quốc tế chính là trận U-21 HA Gia Lai gặp đội tuyển U-21 báo Thanh Niên (tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc tại vòng chung kết U-21 trong nước). Thế nhưng cuối cùng duyên nợ lại đưa hai đội trẻ Thái Lan và Việt Nam tranh nhau ở trận cuối cùng của giải. Kết quả U-21 HA Gia Lai thắng U-21 Thái Lan 3-0.
Ngồi lọt thỏm và là người Thái Lan duy nhất trong khu VIP cùng với các quan chức bóng đá và lãnh đạo của phía Việt Nam, ông Chủ tịch Worawi cảm nhận rất rõ sức nóng của sân bóng. Cuối trận ông Worawi tham gia phát giải thưởng cho hai đội và khi trả lời với giới báo chí, người đứng đầu bóng đá Thái Lan thừa nhận: “Đây chính là lứa cầu thủ triển vọng của bóng đá Việt Nam trong tương lai. Nếu như cứ tiếp đà này, bóng đá Việt Nam nhất định sẽ trở thành một thế lực của khu vực Đông Nam Á”.
…Còn bầu Đức thì là người sướng nhất không phải với tư cách Phó chủ tịch VFF mà là vai trò ông bầu đội bóng, người ươm mầm cho các em suốt 7 năm ở Hàm Rồng với chế độ đãi ngộ và tiêu chuẩn của lò Arsenal JMG.
Đó là “sản phẩm” đầu tay của bầu Đức khi ông nghĩ đến việc ươm mầm bóng đá trẻ và chiếc cúp đó là thành tích vô địch quốc tế đầu tiên. Ông sướng vì đội bóng của ông đã đánh bại “đối thủ xương” Thái Lan – điều mà ông đã luôn ấp ủ từ SEA Games 18 (năm 1995).
Và cũng phải thừa nhận rằng lần đó U-21 HAGL đá hay thật, chặt chẽ, khoa học và giàu chất cống hiến.
Cho đến nay đó là thế hệ duy nhất mà bóng đá Việt Nam qua mặt được Thái Lan. Tuy nhiên khi lên bóng đá người lớn thì chưa biết lứa cầu thủ này sẽ ra sao. Cần nhớ rằng trước khi gặp nhau ở trận chung kết U-21 Quốc tế năm ngoái, cũng chính thành phần U-19 Thái Lan đó từng hai lần chạm trán với U-19 Việt Nam. Đầu tiên là tại giải vô địch U-19 Đông Nam Á (2013) và U-19 Việt Nam thắng 3-2 ở vòng bảng. Sau đó U-19 Việt Nam (nòng cốt là U-19 HAGL) dự giải vô địch U-22 Đông Nam Á tại Brunei và cũng chiến thắng thành phần U-19 Thái Lan 1-0 ở bán kết. Một thế hệ bóng đá trẻ đã thắng “tâm phục khẩu phục” trước một thế hệ đối trọng của Thái Lan…
Bây giờ mỗi lần nhắc đến trận chung kết U-21 Quốc tế tại Cần Thơ, bầu Đức vẫn còn rất ngất ngây. Lúc đó, ông chuẩn bị cho “gà nhà” dự giải này khá chu đáo khi dùng máy bay riêng đưa nhiều trụ cột đến Cần Thơ.
Thắng Thái Lan thì bầu Đức sướng và thế hệ đó đúng là mỗi khi gặp Thái Lan thì Thái Lan đều thua. Nhưng để một nền bóng đá Việt Nam ngang bằng và vượt Thái Lan thì cần hàng chục người như bầu Đức với những học viện, trung tâm bóng đá trẻ chất lượng ra đời.
Còn chỉ như một bầu Đức đơn lẻ cùng vài Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường… thì không thể vượt mặt Thái Lan. Và có khi cũng cái thế hệ đối trọng với Tuấn Anh, Công Phượng đó thôi lên bóng đá người lớn thì… gió có thể sẽ xoay chiều.
Tú Ân
>> Lâm Thùy Anh: “Tôi chưa thấy... ao làng nào to như Hoa hậu Sắc đẹp hoàn cầu“
>> Uẩn khúc việc U.21 Gia Lai không gắn tên Hoàng Anh
>> Cái bục giảng và câu chuyện đổi mới giáo dục
>> Thủ tướng Malaysia có thể bị “phế truất” vì nghi án tham nhũng
>> Nữ sinh bị lột áo, đánh hội đồng, bắt nhảy xuống sông