Một số hang động nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, như Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt… hiện có khá nhiều chữ Trung Quốc được khắc, vẽ trong hang. Trong đó, hang Đầu Gỗ có lượng chữ Trung Quốc nhiều nhất, chữ ở khắp mọi nơi, trên vách đá, trên những khối đá giữa hang và cả trên trần hang… Điều đáng nói là cơ quan quản lý vịnh Hạ Long - nơi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới - lại không biết những chữ trên có từ bao giờ, nội dung gì…

Chữ Trung Quốc bôi bẩn nhiều hang động trên vịnh Hạ Long

Một Thế Giới | 11/09/2015, 12:24

Một số hang động nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, như Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt… hiện có khá nhiều chữ Trung Quốc được khắc, vẽ trong hang. Trong đó, hang Đầu Gỗ có lượng chữ Trung Quốc nhiều nhất, chữ ở khắp mọi nơi, trên vách đá, trên những khối đá giữa hang và cả trên trần hang… Điều đáng nói là cơ quan quản lý vịnh Hạ Long - nơi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới - lại không biết những chữ trên có từ bao giờ, nội dung gì…

Một bài viết trên báo Lao Động ngày 10.9 đã phản ánh sự thực giật mình: Vịnh Hạ Long, danh thắng của Việt Nam, di sản thiên nhiên thế giới đã bị bôi bẩn, chẳng khác gì sự phá hoại. Điều đang nói, nó diễn ra thế nào, bao giờ..., không ai biết, cơ quan quản lý cũng không biết.
Nơi bị bôi nhiều nhất là hang Đầu Gỗ

Theo báo Lao Động, trong hệ thống hang động trên vịnh Hạ Long, thắng cảnh hang Đầu Gỗ là một trong những điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất. Người Hòn Gai đã lưu truyền câu ca dao: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”. Hang Đầu Gỗ cũng được người Pháp tôn là “Động của các kỳ quan”.

Theo các nhà khoa học, hang Đầu Gỗ như tập trung được một quần thể kiến trúc cổ xưa. Cấu trúc hang toát ra một vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ và tĩnh mịch với nhiều cột đá, trụ đá, măng đá nhỏ nhắn, cao vút như muốn vươn tận trời xanh...

Năm 1918, vua Khải Định nhân chuyến đi kinh lý đã ra vịnh Hạ Long chơi và lên thăm hang Đầu Gỗ. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hóa, nhà vua đã cho làm thơ và bài tựa ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Đầu Gỗ.

Tháng 10.1957, trong chuyến về thăm khu Hồng Quảng, Bác Hồ đã tới tham quan và rất thích thú với vẻ đẹp của hang Đầu Gỗ.

Điều ngạc nhiên là bên cạnh những vần thơ Hán Nôm của vua Khải Định được khắc trên bia đá dựng ngay trong hang Đầu Gỗ thì xuất hiện trên vách đá nhiều dòng chữ viết bằng sơn ngay vách hang mà hầu hết những nhân viên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đều không rõ về lai lịch và thậm chí nghĩa của những dòng chữ Trung Quốc này. 

“Có nhiều chữ ở những vị trí rất khó, như ở trên trần hang thì không hiểu họ viết thế nào?” - một nhân viên thắc mắc. Chúng tôi đã cố đi tìm hiểu qua những người được đánh giá là có chuyên môn, nhưng câu trả lời đối với những chữ Trung Quốc trong các hang động trên vịnh Hạ Long cũng chỉ là phỏng đoán.
Chu Trung Quoc boi ban vinh Ha Long, vinh ha long
Các chữ Trung Quốc trong hang Đầu Gỗ (Ảnh: Báo LĐ)

Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, những dòng chữ Trung Quốc trong hang Đầu Gỗ có thể do công nhân Trung Quốc viết vào khoảng năm 1998, khi họ sang thực hiện dự án lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong một số hang động trên vịnh Hạ Long. 

“Nhiều dòng chữ ở vị trí cực khó, như trên nóc hang cao chót vót, vách hang thẳng đứng. Có lẽ khi họ lắp thiết bị chiếu sáng ở những vị trí đó tiện tay viết luôn, chứ không ai rảnh rỗi hoặc có đủ khả năng trèo lên viết nếu không có máy móc, thiết bị hỗ trợ” - chuyên gia này phỏng đoán. 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hùng - nguyên Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (giai đoạn 2002 - 2011) - những dòng chữ Trung Quốc trong hang Đầu Gỗ có trước thời điểm năm 1998.

“Tôi không rõ những chữ đó có từ bao giờ, nhưng theo tôi được biết, từ thời điểm tôi sang làm Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long năm 2002, những chữ đó đã có từ rất lâu rồi” - ông Hùng cho biết.

Một lý giải xem ra có lý: Những chữ đó phần lớn do du khách thực hiện khi đến thăm vịnh Hạ Long trước năm 1994 - thời điểm vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Thời điểm đó về trước, thuyền buồm, thuyền chài vẫn tự do đưa du khách ra thăm vịnh. Khách thích làm gì thì làm, ở bao lâu cũng được vì không ai quản lý. Những chữ ở trên cao, theo phỏng đoán, có thể do những du khách chuyên leo núi viết.

Không thể để di sản thiên nhiên thế giới bị bôi bẩn

Theo các nhân viên quản lý hang, có những chữ khắc sâu vào trong đá, nhưng cũng có những chữ được viết bằng mực hoặc sơn, tuy nhiên rất khó tẩy xóa. Bà Phạm Thùy Dương - Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long - năm 2013 đơn vị này đã mời các chuyên gia của Viện Địa chất và Khoáng sản về giúp, nhưng vẫn không thể tìm được giải pháp hữu hiệu gì để tẩy những chữ đó, vì nhiều chữ khắc rất sâu, lại bôi màu lên. 

“Chúng tôi cùng các chuyên gia đã nghiên cứu, khảo sát kỹ và thử một số giải pháp, trong đó có dùng một số chất hóa học để rửa nhưng không xóa được chữ. Không hiểu họ dùng chất gì để viết lên đá. Vừa rồi, chúng tôi mời chuyên gia địa chất của New Zealand giúp. Ông ấy có gửi một số phương pháp sang và đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ nhưng có vẻ không hiệu quả” - bà Dương cho biết.

Một số ý kiến cho rằng có thể dùng các biện pháp mạnh, như đục, khoan… để xóa chữ nhưng việc này có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới mặt vách đá trong hang động.

Theo một du khách, khi đến thăm hang Đầu Gỗ đã chụp một số chữ đem về nhờ người biết chữ Trung Quốc dịch, nhưng chữ mờ, không dịch được hết; nhưng nội dung chủ yếu là về tình yêu hoặc khẳng định sự có mặt của mình ở Hạ Long, hay ca ngợi vẻ đẹp vịnh Hạ Long…

Dẫu không ai biết chính xác những dòng chữ Trung Quốc trong các hang động trên vịnh Hạ Long có từ khi nào và do ai viết, nhưng tất cả đều khẳng định: Không phải là chữ cổ.

Vì lẽ đó, khó có thể chấp nhận sự tồn tại, mà lại là sự tồn tại quá lâu của những dòng chữ đó ở một nơi đặc biệt như vịnh Hạ Long, dù chỉ xét riêng trên góc cạnh quản lý văn hóa đối với danh thắng này.
Theo Nguyễn Hùng/Lao Động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữ Trung Quốc bôi bẩn nhiều hang động trên vịnh Hạ Long