Tính đến chiều 9.7, nhiều địa phương đã hoàn tất công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 và gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD-ĐT.

Chưa chấm xong điểm thi THPT 2018, các trường đã ồ ạt đưa ra mức điểm chuẩn tuyển sinh

Hải Yến | 10/07/2018, 10:04

Tính đến chiều 9.7, nhiều địa phương đã hoàn tất công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 và gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD-ĐT.

Hơn 80% bài thi môn Sử ở TP.HCM dưới điểm trung bình

Theo thống kê ban đầu, số bài thi đạt điểm 9, 10 xuất hiện ở nhiều môn thi nhưng số này khá ít, phổ điểm năm nay nằm ở dải trung bình. Tại TP.HCM, môn Lịch sử có các thí sinh dự thi đông nhất ở phần thi tổ hợp Khoa học xã hội, tuy nhiên có tới hơn 80% học sinh đăng ký thi môn này đều dưới điểm trung bình. Không chỉ tỷ lệ bài thi dưới trung bình quá lớn mà số lượng bài thi môn Sử đạt điểm cao cũng ở tốp khiêm tốn nhất.

Ở nhóm bài thi đạt cao hơn hoặc bằng 9,5 điểm, môn Sử chỉ có 1 thí sinh; cao hơn hoặc bằng 9 điểm, môn Sử có 9 bài và cao hơn hoặc bằng 8 điểm, môn Sử chỉ có 49 bài. Đề Sử khá dài, đạt điểm thật cao không dễ nhưng nhiều người nhận định, với đề như vậy, học sinh sẽ không khó để đạt mức 5 - 6 điểm. Nhưng kết quả thực tế là điểm dưới trung bình môn Sử chiếm tỷ lệ cao ngất khiến nhiều người lo ngại.

Theo thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay: "Theo ý kiến cá nhân tôi, có 3 lý do cơ bản khiến phổ điểm thi môn Sử của các thí sinh tại TP.HCM năm nay lại thấp kỷlục đó là nhiều năm qua số lượng học sinh THPT ở TP.HCM lựa chọn học và khối C trong kỳ thi đại học trước đây và kỳ thi THPT quốc gia hiện nay thấp hơn nhiều so với các tỉnh miền Bắc nên gần như các em không theo môn học ngay từ đầu dẫn đến điểm thấp. Thứ hai, phần nhiều các thí sinh năm trong tỉ lệ 81% dưới điểm trung bình chọn Lịch sử là môn thi công nhận tốt nghiệp. Với những thí sinh thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp, các em phần lớn sẽ chọn tổ hợp môn xã hội để thi vì các em quan niệm rằng tổ hợp môn khoa học xã hội sẽ dễ hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên.

Tâm lý chung của các thí sinh này là chỉ cần qua điểm liệt là đỗ tốt nghiệp, chứ không quan tâm điểm của môn là cao hay thấp. Nhiều thí sinh khi bắt gặp nhiều câu hỏi phân hóa, nâng cao chủ yếu là dựa vào yếu tố “may - rủi”, đoán mò chứ không phải tự tin để lựa chọn phương án nào sai, phương án nào đúng. Điểm môn sử thấp không phải học sinh dốt sử, mà là các em ngại học."

Theo các chuyên gia tuyển sinh, dự kiến điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay sẽ giảm từ 3-5 điểm. Đặc biệt với các trường tốp đầu, mức điểm sẽ giảm mạnh. Các trường ở tốp giữa và tốp dưới có thể giảm từ 25%-30% tùy ngành.

Theo quy định, chậm nhất ngày 11.7,hoàn thành việc đối sánh kết quả thi. Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11.7, sau thời gian này, thí sinh cần ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng sau đây:

Từ ngày 19.7 đến 26.7, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến.

Từ ngày 19.7 đến đến 28.7 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển và kết thúc điều chỉnh vào 28.7. Ngày 6.8, các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 và thí sinh trúng tuyển nhập học trước 17 giờ ngày 12.8, từ ngày 22.8, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Các trường ồ ạt tuyển sinh

Hiện nay, một số trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển, các bậc phụ huynh và các thí sinh đang rất nóng lòng quan tâm tới điểm sàn của các trường ĐH, đặc biệt là các trường thuộc tốp trên. Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đã có những chia sẻ về công tác tuyển sinh của nhà trường: “Điểm chuẩn vào trường năm nay có thể giảm một chút so với năm 2017 do đề thi THPT quốc gia tính phân loại thí sinh khá cao. Còn việc giảm bao nhiêu điểm và ở những ngành nào thì hiện tại chúng tôi chưa thể khẳng định”. Được biết năm 2018, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.120 chỉ tiêu, trong đó có 15% chỉ tiêu mỗi ngành cho diện tuyển thẳng.

Một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội cho rằng song song với việc các trường được tự chủ, không loại trừ khả năng không ít trường sẽ “vơ bèo, vạt tép”, bất chấp năng lực để tuyển sinh ồ ạt. “Năm nay thí sinh dù điểm rất thấp, có khi 3 môn 10 điểm, cũng có thể dễ dàng chọn cho mình một trường đại học. Sẽ có trường tuyển sinh bằng mọi cách để tạo nguồn thu. Nhà trường có thể biến thành một cỗ máy bán bằng cấp” - chuyên gia này lo lắng.

Thực tế, mùa tuyển sinh năm nay có tới hơn 100 trường ĐH thông báo xét tuyển bằng học bạ, trong đó không ít trường có điều kiện xét tuyển rất khiêm tốn. Thực tế xét tuyển này sẽ dự báo một mùa tuyển sinh khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, các trường được bảo đảm quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không; quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào.

Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Bà Phụng khẳng định nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được”.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, với những tổ hợp xét tuyển “lạ”, dư luận xã hội sẽ nghi ngờ chất lượng của trường, đồng thời khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế. Bên cạnh đó, những thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng...

Hiện nay, dù Bộ GD-ĐT đang tích cực công tác chấm thi THPT quốc gia và chưa công bố điểm, nhưng nhiều trường ĐH, CĐ ở khu vực phía Nam đã rầm rộ… tuyển sinh.

Trong ngày 9.7, đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (thuộc ĐHQG TP HCM) cho biết, đã hoàn thành tuyển sinh hơn 800 thí sinh đậu ĐH. Đây cũng là những thí sinh đầu tiên trúng tuyển ĐH bất chấp kết quả thi THPT quốc gia sắp tới có như thế nào.

Theo một chuyên gia giáo dục, việc các trường tuyển sinh, công bố điểm chuẩn tuyển sinh khi chưa có điểm thi THPT quốc gia là một tiền lệ xấu, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy ở những năm tiếp theo.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa chấm xong điểm thi THPT 2018, các trường đã ồ ạt đưa ra mức điểm chuẩn tuyển sinh