Mặc dù quy định cấm thu phí khách hàng khi đổi tiền lẻ, cũ, hư hỏng đã chính thức có hiệu lực hơn một tuần nay, thế nhưng không ít người vẫn còn hoài nghi về quy định này. Một số người cho rằng quy định là quy định, còn việc thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Chưa hết lo lắng về quy định cấm thu phí đổi tiền lẻ, tiền cũ

Một Thế Giới | 28/06/2015, 10:07

Mặc dù quy định cấm thu phí khách hàng khi đổi tiền lẻ, cũ, hư hỏng đã chính thức có hiệu lực hơn một tuần nay, thế nhưng không ít người vẫn còn hoài nghi về quy định này. Một số người cho rằng quy định là quy định, còn việc thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Ngày 18.6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ra quy định đẩy mạnh đưa tiền mệnh giá nhỏ (dưới 5.000 đồng) vào lưu thông. Đồng thời, không được gây khó dễ cũng như không được thu phí của khách hàng khi đổi tiền lẻ, cũ, hư hỏng. Yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng thiếu tiền lẻ hoặc thừa lượng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại một số nơi hiện nay.
Còn nhiều băn khoăn
Quy định đã có, thế nhưng trên thực tế, không ít người vẫn còn chưa biết về quy định trên. Số khác có biết nhưng lại hoài nghi về việc các ngân hàng có chịu chấp hàng hay không.
Anh Phan Hoàng Văn (ngụ quận 4, TP.HCM) cho rằng NHNN đưa ra quy định trên là phù hợp, nhưng đó chỉ là quy định, còn thực tế khi đi đổi ngân hàng có đổi hay không mới là chuyện đáng bàn.
“Quy định thì quy định vậy thôi chứ giờ tôi đưa tiền lẻ, tiền cũ ra đổi nhưng nhân viên ngân hàng họ nói hết tiền để đổi cho khách thì làm sao? Có thể NHNN không thu phí nhưng các ngân hàng thương mại, tư nhân thì vẫn thu phí hoặc từ chối đổi thì chuyên đổi tiền vẫn nhiêu khê lắm. Mà cái này chỉ mới là yêu cầu từ NHNN thôi chứ chưa có văn bản hay chế tài thì nhân viên họ nói sao chả được.
Tôi nghĩ NHNN cần thông báo rộng rãi quy định này hơn, nên yêu cầu từng ngân hàng công bố thông tin cụ thể ngay tại từng điểm giao dịch để người dân và cả nhân viên ngân hàng cùng biết”, anh Văn nói.
cam thu phi doi tien
Ngân hàng không được gây khó dễ cũng như không được thu phí của khách hàng khi đổi tiền lẻ, cũ, hư hỏng (Ảnh: Internet)
Đồng quan điểm với anh Văn, anh Mai Chí Thành - nhân viên văn phòng tại quận Tân Bình nghĩ quy định này đáng lẽ phải có lâu rồi.
“Tiền của Nhà nước in ra, cho lưu thông mà hư thì phải đổi tiền khác cho dân, đó là điều hiển nhiên. Tôi thấy hiện giờ ở một số chi nhánh ngân hàng vẫn có dán hình ảnh những tờ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông như rách, biến dạng do lửa, mờ chữ… Thiết nghĩ những tờ tiền đó không đủ tiêu chuẩn là một phần do chất lượng không tốt, thế tại sao lại bắt người dân phải chịu thiệt trong khi họ không tự in ra tiền được? Vậy mà trong suốt bao nhiêu năm cứ đè ra mà thu phí”.
Khác với anh Thành, chị Hoàng Thị Thu Hà - kế toán của một công ty có trụ sở tại quận 3, cho rằng dù có cấm thu phí nhưng thái độ không vui vẻ của nhân viên khi khách đổi tiền mới là lý do chính khiến nhiều người không muốn vào ngân hàng đổi tiền.
“Ở nước ngoài mỗi lần tôi đi đổi tiền thì nhân viên đều rất vui vẻ, nhiệt tình, còn ở Việt Nam thì vào ngân hàng thấy thái độ mấy cô giao dịch viên là tôi muốn quay trở ra. Mang tiền lẻ đi đổi, nhân viên ngân hàng rất khó chịu, lại đòi thu phí kiểm đếm. Hồi trước có phí mà mấy cô ấy còn không niềm nở mà giờ miễn phí vụ đổi tiền lẻ, tiền cũ này thì tôi không biết có ai dám vào ngân hàng đổi nữa hay không. Tôi nghĩ khi đưa ra quy định này thì nên công bố công khai rộng rãi và dán các quy định này tại các chi nhánh, trụ sở của ngân hàng để họ còn thực hiện và người dân biết có quy định này”, chị Hà cho biết thêm.
Chợ đen sôi động
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, sau một tuần quy định trên có hiệu lực nhưng thị trường đổi tiền tại chợ đen vẫn vô cùng sôi động. Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền cũ vẫn xảy ra bình thường như khi chưa có quy định trên, nhất là tại các khu vực Chợ Lớn, Bến xe miền Đông, chợ đầu mối Thủ Đức…và tại các điểm gần chùa chiền.
Những người đổi tiền tại đây chủ yếu là các tiểu thương tại các chợ, những người kinh doanh thường xuyên buôn bán, kinh doanh nên sử dụng rất nhiều tiền lẻ cũng như tiền cũ, rách hay những tín đồ của Phật giáo.
Phí đổi tiền tùy thuộc vào mệnh giá tiền và tiền cũ hay mới. Một tiểu thương tại chợ Tăng Nhơn Phú (quận 9) cho biết mức phí cố định để đổi tiền tại chợ đen là 8 - 10% trên mệnh giá. Các mệnh giá như 2.000 đồng, 5.000 đồng thường được các tiểu thương đổi nhiều nhất. Các “cò” chợ đen thường nắm rõ những quy định đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông nên thường lấy số tiền đã cũ, rách đã ăn chênh lệch của tiểu thương và đưa ra ngân hàng đổi miễn phí.
Theo một số tiểu thương thường có nhu cầu đổi tiền, họ thường đổi cho các “cò” chợ đen bởi họ thường ít khi “chê” tiền, mệnh giá nào họ cũng đổi. Không những vậy, các “cò” chợ đen này giải quyết việc chuyển đổi rất nhanh gọn, vui vẻ. Còn vào ngân hàng thì nhiều người rất ngần ngại bởi sợ chi phí cao cũng như nhân viên ngân hàng gây khó dễ.
Vẫn khó đổi tiền tại ngân hàng
Cũng theo khảo sát của Một Thế Giới, tuy quy định đã có hiệu lực nhưng người dân vẫn khó để đổi được tiền tại ngân hàng. Tại chi nhánh của một số ngân hàng trên đường Trần Não (quận 2), khi khách hàng yêu cầu được đổi tiền lẻ thì giao dịch viên tại đây vẫn từ chối khách hàng.
Thử đổi tiền tại một số ngân hàng tại đây, giao dịch viên cho biết hiện tại chỉ đổi tiền cũ, nát chứ chưa đổi được tiền lẻ, nhất là tiền có mệnh giá nhỏ. Lý do mà ngân hàng này không đổi tiền giấy mệnh giá nhỏ (từ 200 đồng - 5.000 đồng) do trong kho của ngân hàng không còn loại tiền này.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa hết lo lắng về quy định cấm thu phí đổi tiền lẻ, tiền cũ