Việc dịch COVID-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng đã khiến hàng loạt mã cổ phiếu giảm đỏ sàn, nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới.

Chứng khoán đỏ sàn, nhà đầu tư ồ ạt ‘tháo chạy’ vì COVID-19 bùng phát

27/07/2020, 20:09

Việc dịch COVID-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng đã khiến hàng loạt mã cổ phiếu giảm đỏ sàn, nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới.

Thị trường chứng khoán giảm mạnh vì thông tin liên quan đến COVID-19 - Ảnh: Internet

Vốn hóa “bốc hơi” 8,5 tỉ USD chỉ trong một phiên giao dịch

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 27.2 đã có phiên lao dốc mạnh sau thông tin liên quan đến ca nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng. Tính đến chiều nay, Bộ Y Tế đã xác nhận có 15 ca nhiễm COVID-19 chủng mới với khả năng lây lan cao hơn so với các chủng trước đây từng xuất hiện tại Việt Nam.

Do vậy, kết thúc phiên giao dịch ngày 27.7, chỉ số VN-Index giảm 43,99 điểm, tương đương 5,31%, xuống mốc 785,17 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 6,48 điểm, tương đương 5,93%, đóng cửa ở mức 102,85 điểm.

Đáng chú ý, với mức giảm 5,31%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới trong phiên giao dịch hôm nay. Mức giảm sâu này đã khiến vốn hóa toàn thị trường bị “bốc hơi” hơn 190.000 tỉ đồng, tương đương 8,5 tỉ USD, trong đó vốn hóa sàn HoSE mất hơn 153.000 tỉ đồng, tương đương 6,6 tỉ USD.

Việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán khiến hàng loạt mã cổ phiếu có vốn hóa giảm khá mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến tiêu cực khi cả 30 cổ phiếu trong rổ VN30 đều giảm điểm, đặc biệt có tới 16 cổ phiếu giảm sàn. VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank) và VNM (Vinamilk) là 3 mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.

Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng giảm đỏ sàn như BID (BIDV) giảm 6,9%, CTG (Vietinbank) giảm 7%. Tương tự, cổ phiếu ngành chứng khoán, bảo hiểm, hàng tiêu dùng cũng giảm mạnh, như SSI, HCM (chứng khoán HSC), BVH (Bảo Việt) giảm 7%, MWG (Thế giới di động ) giảm 6,9%; PNJ giảm 7%. Tương tự, cổ phiếu hàng không như VJC (Vietjet Air), HVN (Vietnam Airlines) cũng giảm mạnh trước lo ngại các đường bay nội địa sẽ sớm bị hạn chế.

Như vậy, sau 3 tháng không có ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng thì khi các thông tin về bệnh nhân mới xuất hiện tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thị trường đã phản ứng mạnh và liên tiếp giảm điểm trong các phiên ngày 24 và 27.7.

Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp, chỉ số VN-Index đã mất 71,58 điểm, tương đương giảm 8,35% so với mức đóng cửa ngày 23.7. Đây là mức giảm mạnh hơn so với 2 lần có các phiên giảm sốc trước đó.

Lần đầu tiên là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khi bắt đầu xuất hiện các thông tin về COVID-19, VN-Index đã có 2 phiên sụt giảm mạnh khiến chỉ số giảm từ mức 991,46 điểm trước kỳ nghỉ lễ về 936,62 điểm kết thúc tháng 1, tương đương giảm 54,84 điểm.

Lần thứ hai là khi bệnh nhân số 17 xuất hiện tại Hà Nội. Khi đó, VN-Index cũng đã có phiên giảm mạnh. Chỉ số này đã giảm từ 891,44 về 835,49 điểm, giảm 55,95 điểm, tương đương 6,28%.

Nhà đầu tư không nên quá bi quan

Dự báo về diễn biến thị trường thời gian tới, chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng trong 14 ngày tới, thông tin dịch bệnh COVID-19 vẫn là rủi ro đối với thị trường chứng khoán. Thế nhưng, với kinh nghiệm về việc khống chế dịch các lần trước cùng với việc phát hiện ổ dịch sớm, BVSC kỳ vọng dịch bệnh lần này sẽ sớm được nhận diện để từ đó khống chế. Bên cạnh đó, do nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị tâm lý, quen thuộc với những đợt biến động sâu trước đó nên sự cân bằng sẽ sớm trở lại trong một vài phiên tới.

“VN-Index dự báo sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ 756-778 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi lùi về vùng hỗ trợ này. Trong kịch bản này, chỉ số có thể quay lại thử thách vùng kháng cự 800-820 điểm. Tuy nhiên, về tổng thể, chúng tôi vẫn lưu ý rằng chỉ số vẫn có rủi ro giảm điểm về vùng hỗ trợ 700-720 điểm trong ngắn hạn.

Diễn biến và tình hình kiểm soát COVID-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý 2 sẽ là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead… có thể khiến cho thị trường và các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số trên có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần”, BVSC dự báo.

Công ty Chứng khoán MBS cũng nhận định việc tiếp tục chống dịch và thực hiện các biện pháp cách ly có lẽ sẽ được kích hoạt trở lại nhưng cũng không quá bi quan vì cách khoanh vùng chống dịch của Việt Nam phát huy tốt hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là điểm báo hiệu làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Viêt Nam sau 99 ngày chưa có ca nhiễm mới trong cộng đồng và cần xác định trước tâm lý "sống chung và chiến đấu" với dịch cho đến khi vắc xin chính thức được cấp phép.

MBS đánh giá đây chính là giai đoạn bình thường mới của cả kinh tế và thị trường chứng khoán trước các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư không quá bi quan bán tháo các cổ phiếu cơ bản tốt khi chỉ số đã về gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chứng khoán đỏ sàn, nhà đầu tư ồ ạt ‘tháo chạy’ vì COVID-19 bùng phát