Điều kiện để được ưu đãi thuế trong một FTA kiểu mới như CPTPP không hề đơn giản bởi vì nếu muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.

Chuộng nguyên liệu Trung Quốc, hàng chủ lực Việt gặp khó với xuất xứ nguồn gốc trong CPTPP

20/03/2019, 20:56

Điều kiện để được ưu đãi thuế trong một FTA kiểu mới như CPTPP không hề đơn giản bởi vì nếu muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.

Dệt may có khả năng gặp khó về nguồn gốc xuất xứ với CPTPP - Ảnh: Internet

Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá đây là một quy định bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Ngoài ra, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, hàng nông sản của Việt Nam vào CPTPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Những quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể là rào cản đối với hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác vào thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Từ đó nhiều ngành sẽ gặp khó khăn chẳng hạn như ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều này sẽ gây ra không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam, nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa vì thế cũng sẽ gia tăng.

Đối với ngành dệt may, lợi thế nổi bật mà Việt Nam có được từ CPTPP là mức thuế quan được cắt giảm sâu và nhanh, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, việc khai thác ưu đãi thuế là không dễ bởi muốn được ưu đãi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe. Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên về xuất xứ nguyên liệu sẽ gặp khó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may (Vinatex) từng cho biết Việt Nam đang mua tới 45% vải từ Trung Quốc.

"Yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP. Việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành dệt may Việt Nam.

CPTPP được xem là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, đây là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, các cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và tác động tới môi trường trước khi cấp phép đầu tư", Cục Công nghiệp nhận định.

Đối với ngành da giày, mặc dù có được ưu đãi thuế thì giá trị thật sự mà các doanh nghiệp da giày của Việt Nam nhận được cũng không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp Việt đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường mới như Mexico, Canada lâu nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giày đến từ các quốc gia khác, họ chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giày Việt Nam.

"Muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Việc này cần có thời gian và nguồn lực về tài chính, con người chứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà còn trong các FTA đang và sắp có hiệu lực", Cục Công nghiệp đề xuất.

Ký kết CPTPP được xem là một bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác.

Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khoảng 78 - 95% số dòng thuế. Với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 - 10 năm, đến cuối lộ trình thuế sẽ xóa bỏ đến 98 - 100% số dòng thuế. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có. Ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% số dòng thuế cho các đối tác.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuộng nguyên liệu Trung Quốc, hàng chủ lực Việt gặp khó với xuất xứ nguồn gốc trong CPTPP