Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỉ đồng. Do đó, để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó.

Chương trình phục hồi KT-XH: Chậm ngày nào, sốt ruột ngày ấy

Lam Thanh | 25/01/2022, 17:38

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỉ đồng. Do đó, để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó.

Ngày 25.1, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ ngành để góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó thủ tướng nêu rõ tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã bàn thảo, biểu quyết thông qua và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Đây là nghị quyết rất quan trọng để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Trên cơ sở Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng dự thảo nghị quyết triển khai chương trình này”, Phó thủ tướng nêu.

ptt-2.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, số vốn đầu tư rất lớn, gần 350.000 tỉ đồng. Do đó "để chậm ngày nào là sốt ruột ngày đó".

Phó thủ tướng đề nghị sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình bày dự thảo, thì các bộ ngành góp ý cụ thể những nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ và các giải pháp tổ chức thực hiện của các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo, nhằm trình Chính phủ sớm thông qua nghị quyết này, bảo đảm việc tổ chức thực hiện sát thực, khả thi, hiệu quả.

Cho biết hiện 5 bộ ngành đã có văn bản góp ý, Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành chưa có ý kiến góp ý bằng văn bản thì trong ngày hôm nay (25.1) phải gửi văn bản góp ý. Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, tiếp thụ đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua để chương trình sớm được triển khai thực hiện.

"Tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nghị quyết 43 của Quốc hội đề ra mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Ngoài ra, phải tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nghị quyết quy định các chính sách miễn-giảm thuế, đầu tư phát triển về y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn-giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động…

Nghị quyết 43 cũng quy định về phương án huy động nguồn lực; áp dụng cơ chế đặc thù; giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện chương trình; tổ chức thực hiện…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình phục hồi KT-XH: Chậm ngày nào, sốt ruột ngày ấy