Trong buổi xuất hiện trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ hôm 24.9, tiến sĩ Anthony Fauci nói rằng nhiều bệnh nhân COVID-19 may mắn sống sót đang trải qua các triệu chứng như sốt, mệt mỏi và cả viêm cơ tim, thậm chí nhiều tháng sau khi hồi phục.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và là cố vấn y tế Nhà Trắng, cho hay: “Tôi xin lưu ý với các bạn, thực tế là một số người đã khỏi COVID-19 có triệu chứng dai dẳng trong vài tuần đến vài tháng mà không phải là do sự tồn tại của vi rút. Chúng được gọi là những kẻ thù dai".
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ nói thêm rằng một số bệnh nhân COVID-19, gồm cả những người hoàn toàn không có triệu chứng, có tình trạng bất thường về tim khi được kiểm tra bằng MRI (chụp cộng hưởng từ).
“Chúng tôi thấy rằng một số người đã hoàn toàn bình phục và dường như không còn triệu chứng, khi sử dụng các công nghệ hình ảnh như MRI thì phát hiện họ bị viêm cơ tim”, tiến sĩ Anthony Fauci giải thích.
Cũng có những trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục gặp các vấn đề về thần kinh và thiếu hụt nhận thức, chẳng hạn như không có khả năng tập trung trong thời gian dài.
Công bố của tiến sĩ Anthony Fauci về vấn đề này không phải là điều đáng ngạc nhiên vì các nhà nghiên cứu y tế đã phát hiện các triệu chứng kéo dài ở những người sống sót sau khi mắc COVID-19 nhiều tháng nay.
Đầu tháng 9, một nghiên cứu tiết lộ rằng người mắc COVID-19 đã hồi phục đôi khi có thể biểu hiện tổn thương cơ tim và phổi nhiều tháng sau chẩn đoán khỏi bệnh.
Kết quả cho thấy 6 tuần sau khi xuất viện, 88% người từng mắc COVID-19 vẫn có dấu hiệu tổn thương phổi khi chụp CT (cắt lớp vi tính), chẳng hạn các mảng giống như kính mài, trong khi 47% người bị khó thở. Ở tuần thứ 12, các con số này lần lượt là 56% và 39%.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lưu ý hồi tháng 7 rằng những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có thể gặp các triệu chứng mệt mỏi, nôn mửa, ớn lạnh, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác, đau ngực và lú lẫn, thậm chí kéo dài vài tháng sau đó.
Một số triệu chứng do coronavirus gây ra có xu hướng giảm dần sau vài tuần.
Báo cáo của CDC vào thời điểm đó cho biết thêm rằng khoảng 33% người mắc COVID-19 không thể trở lại sức khỏe ban đầu, thậm chí ba tuần sau chẩn đoán khỏi bệnh. Khi xem xét bệnh nhân COVID-19 trong phạm vi 18-34 tuổi, con số đó giảm xuống còn 20%.
Dù lý do chính xác về việc gây ra các triệu chứng liên tục của COVID-19 vẫn chưa rõ ràng, chúng ta biết rằng coronavirus có xu hướng tấn công mọi cơ quan nội tạng quan trọng trong cơ thể chứ không chỉ riêng phổi.
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế tin rằng đó có thể là lý do những người mắc COVID-19 đã bình phục đôi khi phải chịu đựng một số triệu chứng khác nhau trong nhiều tháng.
Đầu tháng 9.2020, tiến sĩ Deborah Lee (viết cho cuốn sách Eat This, Not That và nhiều năm làm trong Dịch vụ Y tế Quốc gia ở Vương quốc Anh) cho rằng khó thở là triệu chứng COVID-19 mà bà thấy lo ngại nhất. Xem chi tiết tại đây.
Nhân Hoàng