Hà Nội không có phố “Hàng Vàng”, sang nhất là Hàng Bạc rồi đến Hàng Đồng, Hàng Thiếc…; nhưng mặc thế, phố Hàng Bạc bây giờ không thiếu gì vàng và tất nhiên vẫn có rất nhiều bạc - thứ kim loại quý định danh cho phố.

Chuyện về phố nghề Hàng Bạc ở Hà Nội

ANTD | 28/01/2019, 09:57

Hà Nội không có phố “Hàng Vàng”, sang nhất là Hàng Bạc rồi đến Hàng Đồng, Hàng Thiếc…; nhưng mặc thế, phố Hàng Bạc bây giờ không thiếu gì vàng và tất nhiên vẫn có rất nhiều bạc - thứ kim loại quý định danh cho phố.

Phố có nhiều ngôi nhà nhỏ nhất Hà Nội

Hàng Bạc còn khá nhiều những ngôi nhà xây theo lối cũ, kiểu “chồng diêm”, phía trên là một mái nhà lợp ngói kiểu cổ điển. Nếu như Mã Mây từng là con phố có nhiều nhà cổ nhất Hà Nội thì Hàng Bạc cũng không kém là mấy. Hình ảnh những mái ngói lô nhô từ trên cao trông xuống có thể thấy khá nhiều ở Hàng Bạc.

Lại thêm một điểm thú vị nữa: Hàng Bạc có lẽ là con phố có nhiều ngôi nhà nhỏ nhất Hà Nội. Ai cũng biết Hà Nội đất chật người đông, nhà cửa san sát, ngõ phố hẹp, tối om nhưng cơ bản các ngôi nhà mặt phố cũng không quá hẹp, thường là rộng khoảng 3m, những nhà rộng hơn thường là biệt thự hoặc vì một sự đặc biệt nào đấy mới có.

Nhưng ở Hàng Bạc, tôi ngạc nhiên vì sự chật hẹp ở đây, phố có rất nhiều ngôi nhà có bề ngang chỉ độ 2m, thậm chí là chỉ hơn 1m. Những ngôi nhà giống hệt những bao diêm với bề ngang bé tí, bề dọc thì sâu hút và những con ngõ thì tối om. Có rất nhiều nhà có diện tích bề ngang cực hẹp nên đi qua phố, một cảm giác về những căn nhà xếp hình đồ chơi như của trẻ thơ bỗng xuất hiện. Nhưng dù nhà cửa chật hẹp thế, Hàng Bạc là một con phố cực sầm uất.

Say đắm với tiếng ca trù trầm bổng

Phố Hàng Bạc có một lịch sử lâu đời với định danh là nghề làm bạc nổi tiếng từ mấy trăm năm trước. Hàng Bạc có tiếng với ngành nghề truyền thống của mình và ngay người nước ngoài khi xưa, lúc đi qua Hàng Bạc cũng ấn tượng với nghề làm bạc và buôn bán ở đây. Một người Pháp đã từng viết về phố như sau: “Phố đó là một trong số những phố đẹp của Hà Nội. Những người đổi bạc ngồi xếp bằng tròn trên chiếc sập trong cửa hàng, trước mặt là những chồng xâu tiền kẽm và đồng; và một chiếc rương nhỏ. Họ là những người thợ đúc bạc”.

Và Hàng Bạc ngày nay, cũng như những phố hiếm hoi của phố cổ Hà Nội còn giữ được nghề định danh của mình. Phố có rất nhiều cửa hiệu buôn bán vàng bạc, từ đầu phố đến cuối phố, các cửa hàng vàng liền kề nhau, tấp nập người mua bán, qua lại. Phố Hàng Bạc buôn bán, chế tác bạc, vàng, các kim loại quý và thời mở cửa còn các công ty lữ hành, khách sạn, quán ăn nhưng nhiều nhất vẫn là những hàng bạc có truyền thống lâu đời.

Là một con phố cổ, Hàng Bạc từng có đến 3, 4 ngôi đình trên một đoạn phố không dài lắm nhưng bây giờ thì chỉ còn đình Kim Ngân ở số nhà 42 là đáng kể. Ngôi đình này cũng khá đặc biệt. Khi khảo sát những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội tôi thấy hầu hết chúng đã được trùng tu, các cột gỗ trụ hầu hết được thay mới thì may mắn thay ở đình Kim Ngân vẫn còn giữ lại được một số cột trụ bằng gỗ lim cổ.

Đình Kim Ngân có từ thế kỷ XVI thờ ông tổ bách nghề là Hiên Viên, nếu trong phạm vi phố cổ, đây là một trong những ngôi đình có diện tích lớn nhất. Điều thú vị nữa là vào những tối thứ 4, thứ 6 hàng tuần, chính ở ngôi đình này có biểu diễn ca trù, một loại hình văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt. Tiếng ca trù trầm bổng lúc thanh lúc nhẹ, tiếng phách dẫn nhịp khiến người nghe như lạc vào một mê cung huyền ảo.

Dấu vết danh nhân sinh sống ở phố

Đã có nhiều danh nhân Hà Nội từng sinh sống ở phố Hàng Bạc, có thể kể đến những người như Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Đoàn Trần Nghiệp… nhưng tôi muốn dừng lâu hơn ở một nhân vật mà dấu vết ở Hàng Bạc bây giờ vẫn còn lưu: Phạm Huy Thông.

Phạm Huy Thông (1916-1988) vốn là con nhà phú hộ giàu có nhất nhì phố Hàng Bạc, ông Phạm Chân Hưng. Dòng họ Phạm này có tổ tiên lâu đời là Phạm Ngũ Lão, xa hơn nữa lão tướng Phạm Tu. Cửa hiệu bạc Chân Hưng từng là một trong những cửa hiệu bạc lớn nhất phố thời bấy giờ. Ông Phạm Chân Hưng từng là Chủ nhiệm tờ báo “Công nông thương”, phụ trách khu Đông Kinh Nghĩa Thục, người tham gia điều phối Tuần lễ vàng tháng 9 năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Đây là một gia đình tư sản giàu có, có nhiều đóng góp với dân tộc, đặc biệt người con trai cả của ông, Phạm Huy Thông là một nhà thơ và một trí thức lớn.

Mười sáu tuổi, Phạm Huy Thông đã là một trong những người tiên phong của phong trào thơ Mới với bài thơ “Tiếng địch sông Ô” lừng danh:

“...

Trướng thênh thang, lạnh lùng và u ám,

Sở Bá Vương đứng sững trước cửa phòng,

Để nỗi buồn, một nỗi buồn u uất mênh mông,

Ngao ngán nhẽ, nặng đè lòng người chiến sĩ...

Và chống kiếm trước phòng sầu quạnh quẽ,

Hạng Vương vừa nhác thấy bóng Ngu Cơ,

Nên hỡi ôi! Tia hy vọng lờ mờ

Vương cảm thấy trong lòng ngầm ngấm tắt.

Vương trông...

Vẫn như gặp nàng lần thứ nhất,

Tim anh hùng như ngây ngất say sưa.

Tựa thân mềm vào lưng ỷ, nàng Ngu Cơ

Mắt mơ hồ nhìn qua khung cửa sổ,

Để hồn buồn chơi vơi như bay trên cành gió.

Chỗ nàng ngồi,

Một luồng trăng biêng biếc riêng soi,

Khiến Hạng Vương, trong lòng say, những tưởng

Rời cung Quảng, ả Hằng vừa bay xuống...”.

Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng, Phạm Huy Thông còn là một trí thức lớn. Ông du học ở Pháp, có bằng Tiến sĩ Luật và làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Sau ông bị Pháp trục xuất vì những hành động yêu nước của mình. Lúc trở về Việt Nam, ông từng làm Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Khảo cổ học…; được bầu là Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức và được đặt tên cho một con đường rất đẹp vòng quanh hồ Ngọc Khánh.

Điều thú vị khi nhắc đến Phạm Huy Thông ở đây là căn nhà trên phố Hàng Bạc của gia đình ông vẫn còn, hiện người em út của ông đang ở. Đây là một trong những căn nhà hiếm hoi trên phố vẫn giữ được nguyên vẻ cổ điển xưa cũ. Một biệt thự 3 tầng sơn màu đỏ đậm đã bạc phếch với thời gian dù xung quanh đó là những căn nhà hiện đại đã được xây lại. Thú vị nữa nơi đây từng là trụ sở chỉ huy của Trung đoàn Thủ đô trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở đây một thời gian ngắn và chính ngôi nhà số 86 này là nơi làm lễ cưới của Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Đi trong phố Hàng Bạc, ngắm nhìn những món đồ bạc lấp lánh trong các cửa hàng, ngắm nhìn những ngôi nhà bé như món đồ chơi bỗng thấy phố xá Hà Nội thật đa dạng và nhiều cung bậc. Mỗi cung bậc lại mang một sự bất ngờ và thú vị cho những người yêu Hà Nội.

Theo Nhà vănUông Triều/ ANTĐ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về phố nghề Hàng Bạc ở Hà Nội