Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng hiện nay Vĩnh Long và các tỉnh ĐBSCL còn lại đẩy mạnh cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch chế biến trái cây. Đây là hướng đi tất yếu của sản xuất trái cây theo hướng công hóa nông nghiệp của vùng ĐBSCL.
Cũng theo ông Trương Thành Dãnh, công tác cơ giới hóa muốn thành công phải có cơ chế, chính sách huy động cả xã hội cùng tham gia, nhất là phải đẩy mạnh mô hình sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sản xuất, chế tạo ra các dụng cụ, phương tiện cơ giới phù hợp với điều kiện vườn cây từng địa phương.
Vùng ĐBSCL là nơi trồng cây ăn trái thương phẩm lớn nhất cả nước với hơn 400.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cây ăn trái cả nước. Sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng trái cây cả nước. Giá trị sản xuất trái cây đạt hơn 48.650 tỉ đồng/năm (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước). Để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây giúp nhà vườn cùng với doanh nghiệp tăng lợi nhuận, giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh thì vấn đề áp dụng cơ giới hóa trong việc trồng, chế biến trái cây hết sức cần thiết, mang tính tất yếu đã và đang được thực hiện.
Gần đây, nhà vườn khu vực ĐBSCL đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng. Thể hiện rõ nhất việc sử dụng máy móc thay lao động thủ công trong khâu làm đất, lên liếp, làm cỏ, phun tưới nước, bón phân, vận chuyển khi thu hoạch, chế biến trái cây xuất khẩu.
Nổi bật như trong công việc thiết kế vườn để trồng cây ăn quả đã ứng dụng cơ giới như máy cày, máy cuốc, máy xới... giúp tiết kiệm 30-35% thời gian và 20-25% chi phí vận hành. Đa số các vườn cây ăn trái đều có hệ thống tưới bán hay tự động, lắp đặt các máy bơm điện và hệ thống ống dẫn nước, vòi phun tự động. Nhà vườn chỉ cần bật cầu dao đóng điện hay cài đặt qua bộ hẹn giờ tưới hoặc điều khiển tưới bằng điện thoại thông minh là vườn cây được tưới nước đủ đầy. Tùy vào điều kiện kinh tế của chủ vườn mà có thể trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Tưới kết hợp bón phân, camera giám sát vườn, cắt tỉa, tạo tán, tạo hình. Hiện nay, nhà vườn sử dụng một số thiết bị như máy cắt cỏ chạy bằng năng lượng (máy tự vận hành và có động cơ 2-3 mã lực), máy cắt đã phát huy hiệu quả cắt cỏ vườn cây ăn quả trong thời gian ngắn hơn. Riêng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy phun áp lực hoặc cần phun cầm tay bán tự động hay bằng máy bay không người lái mang lại hiệu quả 50-70%.
ĐBSCL hiện có trên 15.000 ha cây sầu riêng chuyên canh. Các địa phương như: huyện Cai Lậy, Cái Bè tỉnh Tiền Giang, nhà vườn bước đầu đã ứng dụng 100% cơ giới hóa vào việc tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây. Ông Dương Văn Đây, chủ 2 ha vườn sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết: "Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào khâu chăm sóc nên cả khu vườn chỉ thuê mướn vài lao động thường xuyên. Vườn tôi thì có một số công việc đã làm cơ giới hóa, một số làm thủ công. Riêng lĩnh vực tưới tiêu tôi đã áp dụng cơ giới hóa 100%. Khởi động thiết bị xong, tôi ngồi nhà điều khiển luôn. Cơ giới hóa tiện lợi hơn chứ phun xịt bằng thủ công như trước tốn công sức, thời gian. Làm cơ giới phải từng bước, vì diện tích vườn tôi không lớn, một số việc phải làm thủ công ”.
Công ty TNHH Huy Long An đã sử dụng máy móc vào sản xuất chuối, nhất là khâu thu hoạch chuối đạt khoảng 10 tấn chuối mỗi ngày. Trang trại rộng 120 ha của công ty chỉ cần 5 người hái, di chuyển chuối bằng cáp, chỉ trong buổi sáng là thu hoạch xong. Việc cơ giới hóa thu hoạch quả thanh long tại Long An, Tiền Giang cũng được nghiên cứu, áp dụng đạt hiệu quả cao hơn 30% so với thu hoạch thủ công. Chất lượng sản phẩm áp dụng cơ giới vẫn đảm bảo tốt, trái không bị dập.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương trong cả nước, lĩnh vực thu hoạch và sau thu hoạch trong sản xuất trái cây của vùng ĐBSCL tỉ lệ cơ giới hóa còn thấp do đặc thù của vườn cây và thiết kế mương vườn kiểu truyền thống chưa phù hợp với việc di chuyển các phương tiện cơ giới.
Riêng đối với các doanh nghiệp chế biến trái cây vùng ĐBSCL đa phần ứng dụng cơ giới hóa từ khâu vệ sinh trái cây, cắt tỉa, bổ xẻ, sấy khô, vận chuyển đến nơi tiêu thụ... Nhiều thiết bị, máy móc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều tỉ đồng mua sắm từ nước ngoài để đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Ông Huỳnh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, Tiền Giang là một trong số các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng máy móc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây xuất khẩu. Ông Lộc chia sẻ: “Trước đây khi thu hoạch trái cây về mình phải rửa, để cho sạch nấm mốc, vi khuẩn, côn trùng bám vào bề mặt trái cây. Do làm thủ công nên tốn nhiều nhân công, chi phí. Sau đó tôi tìm hiểu các hệ thống sấy rửa của nước ngoài áp dụng chế biến như: như máy rửa xoài, rửa chanh leo, cam, mít sầu riêng để đạt theo chất lượng của các nước nhập khẩu. Năm 2018, tôi đã xuất đi thị trường Nga, Singapore, Dubai… Năm 2022, dù thị trường Trung Quốc đang áp dụng tiêu chuẩn cao hơn trước khi nhập trái cây Việt Nam nhưng sản phẩm của tôi cũng xuất khẩu vài chục container thành công”.
Thời gian qua, ngoài việc cung ứng, giới thiệu các loại hình cơ giới tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới phục vụ cơ giới hóa sản nông nghiệp của ngành chức năng, tại vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều “kỹ sư chân đất, nhà nông sáng chế”. Các cơ sở cơ khí sáng tạo ra các loại nông cụ hữu ích giải phóng sức lao động của con người. Nổi bật như: máy vệ sinh trái Sapô (Hồng Xiêm) của anh Trần Huỳnh Long (ấp Tây, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Kéo cắt tỉa đa năng của nhà vườn Lê Phước Lộc (xã An Hữu, huyện Cái Bè, Tiền Giang) đã được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, ứng dụng rộng rãi rất hữu ích.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, công tác cơ giới hóa muốn thành công thì phải có cơ chế, chính sách huy động cả xã hội cùng tham gia. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh mô hình sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sản xuất, chế tạo ra các dụng cụ, phương tiện cơ giới phù hợp với điều kiện vườn cây từng địa phương. Thu hoạch, chế biến trái cây cũng phải cơ khí hóa để từng bước sản xuất chế biến trái cây theo quy trình hiện đại hóa.