Hầu hết các cuộc giải cứu diễn ra trong 24 giờ đầu tiên sau khi thảm họa xảy ra. Các chuyên gia cho biết sau đó, cơ hội sống sót giảm dần khi mỗi ngày trôi qua.
Giới chức và nhân viên y tế cho biết số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng nhanh, hiện số nạn nhân tử vong đã vượt 15.000 người. Lực lượng cứu hộ vẫn đang đào bới các đống đổ nát sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra sáng sớm 6.2 để tìm kiếm người sống sót.
Thảm họa đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà và hiện chưa rõ số người còn bị mắc kẹt, trong khi nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn do thời tiết băng giá. Những người sống sót không có đủ thực phẩm và nơi trú ẩn, một số còn bất lực nghe thân nhân kêu cứu rồi dần im lặng.
Theo các chuyên gia, một người có thể sống sót lên đến một tuần hoặc hơn dưới đống đổ nát, nhưng điều đó phụ thuộc vào vết thương của họ, tình trạng họ bị mắc kẹt và điều kiện thời tiết.
Tiếp cận với nước uống và không khí để thở là những yếu tố quan trọng, cùng với thời tiết. Nếu khu vực bị mắc kẹt quá nóng, các nạn nhân dưới đó có thể bị mất nước nhanh hơn, làm giảm hy vọng sống sót của họ.
Tiến sĩ Jarone Lee, chuyên gia y tế khẩn cấp và thảm họa tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho biết: "Thông thường, rất hiếm khi tìm thấy những người sống sót sau ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, và hầu hết các đội tìm kiếm cứu nạn sẽ cân nhắc việc dừng lại sau đó. Nhưng có rất nhiều trường hợp sống sót sau mốc 7 ngày. Thật không may, đây thường là những trường hợp hiếm gặp và phi thường".
Tiến sĩ George Chiampas, chuyên gia y học cấp cứu tại trường y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết những người bị chấn thương, bao gồm cả chấn thương do dập nát, phải đối mặt với cơ hội sống sót mong manh nhất. Khi một người bị mắc kẹt sau thảm họa, cánh tay, tứ chi và các bộ phận khác của cơ thể họ có thể bị đè bởi đống đổ nát, gây ra sưng cơ hoặc rối loạn thần kinh. Kết quả cuối cùng có thể gây suy thận và tử vong. Những trường hợp như này cần được sự hỗ trợ của y tế ngay sau khi được cứu ra.
"Nếu bạn không kéo họ ra ngoài trong vòng một tiếng đồng hồ, cơ hội sống sót thực sự rất thấp", Chiampas nói.
Chiampas cho biết những người mắc các bệnh khác, những người có sức khỏe phụ thuộc vào thuốc men, cũng phải đối mặt với những nguy hiểm tương tự. Tuổi tác, tình trạng thể chất và tinh thần đều rất quan trọng.
Tiến sĩ Christopher Colwell, chuyên gia y học cấp cứu tại Đại học California (Mỹ) cho biết: "Có rất nhiều trường hợp được cứu sống một cách kỳ diệu và hầu hết trong số họ đều sống sót trong điều kiện kinh khủng. Họ phần lớn là những người trẻ tuổi và đã may mắn tìm được nguồn không khí và nước trong đống đổ nát".
Sau trận động đất và sóng thần năm 2011 xảy ra ở Nhật Bản, một thiếu niên và bà ngoại 80 tuổi của cậu được tìm thấy còn sống sau 9 ngày mắc kẹt trong một ngôi nhà bị hủy hoại. Năm 2022, một cô gái Haiti 16 tuổi đã được giải cứu khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Port-Au-Prince sau 15 ngày.
Chiampas cho rằng trạng thái tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến sự sống còn.
Nếu bị kẹt trong một đống đổ nát, thứ quý giá nhất chính là không khí. Để tránh lãng phí không khí vô ích, cần biết kỹ năng sinh tồn này:
- Hít thật sâu, thở chậm chậm. Đừng sử dụng diêm hay bật lửa vì lửa sẽ đốt mất oxy để duy trì sự cháy.
- Không la hét. Thực chất la hét sẽ làm ta thêm hoảng sợ, khiến nhịp tim tăng lên và sẽ phải thở gấp hơn.
- Cởi áo ra và trùm lên đầu. Làm như vậy sẽ giúp bạn không bị ngộp thở vì bụi bẩn rơi xuống mặt.