Nếu tình trạng phát thải khí nhà kính toàn cầu vẫn cao, dải băng ở Đông Nam Cực (EAIS) tan chảy có thể khiến mực nước biển toàn thế giới dâng cao.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Durham (Anh) cho rằng, nếu thời tiết toàn cầu tăng hơn 2 độ C, EAIS tan chảy có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng gần nửa mét kể từ năm 2100.
Và nếu sự phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục cao, EAIS có thể làm mực nước biển toàn cầu dâng từ 1 đến 3m từ năm 2300, và từ 2 đến 5m từ năm 2500.
Tuy nhiên, nếu kéo giảm đáng kể sự phát thải khí nhà kính, EAIS có thể chỉ khiến mực nước biển toàn cầu dâng 2cm kể từ năm 2100, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature.
Người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, Giáo sư Chris Stokes, khoa Địa lý của Đại học Durham nói: “Kết luận chính từ các phân tích của chúng tôi là con người đang nắm trong tay số phận của EAIS. Cho đến nay, nó vẫn là dải băng lớn nhất thế giới với diện tích gần 14 triệu km vuông và chứa 26,5 triệu mét khối băng, tức tương đương 52 mét mực nước biển dâng. Và điều quan trọng là chúng ta đừng đánh thức "gã khổng lồ đang ngủ" này”.
Vị giáo sư nói thêm: “Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu đã đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C, và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C trước cuối thế kỷ này. Điều này có nghĩa chúng ta tránh để xảy ra điều tệ hại nhất, và phải ngăn sự tan chảy của EAIS. Để từ đó hạn chế tác động EAIS lên mực nước biển toàn cầu dâng”.
Nghiên cứu có nêu “rất khó xảy ra” kịch bản tệ hại nhất.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Anh, Úc, Pháp, Mỹ - khi thực hiện các dự báo - đã phân tích cách EAIS phản ứng với những nhiệt độ ấm dần lên trong quá khứ.
Họ dùng máy tính để mô phỏng hóa các tác động của từng mức độ phát thải khí nhà kính và nhiệt độ trên EAIS vào các năm 2100, 2300 và 2500.
Họ phát hiện chứng cứ gợi ý rằng cách đây 3 triệu năm, khi nhiệt độ cao hơn khoảng từ 2 đến 4 độ C so với hiện nay, nhiều phần của dải băng EAIS “bị sụp và góp phần làm mực nước biển dâng nhiều mét. Thậm chí cách đây 400.000 năm, có bằng chứng rằng một phần EAIS đã co lại 700km để phản ứng với sự ấm dần lên của trái đất, dù chỉ khoảng từ 1 đến 2 độ C”.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu là Nerilie Abram, thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói rằng "EAIS không được bảo vệ như chúng ta từng nghĩ”.