Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra sản lượng cây lương thực toàn cầu có thể giảm 1/5 vào năm 2050 do ô nhiễm ozone và biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông - Trung Quốc (CUHK) và Trung tâm phối hợp về tính bền vững và khả năng phục hồi của Đại học Exeter (Anh), đã định lượng và ước tính tác động tổng thể của ô nhiễm ozone, phát thải khí cacbonic và biến đổi khí hậu với sản lượng của 4 loại cây lương thực chính gồm ngô, đậu tương, lúa mì và gạo.
Các dự báo cho thấy xu hướng giảm rõ rệt đối với tất cả sản lượng cây trồng do ô nhiễm ozone và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đến năm 2050, sản lượng của 4 loại cây trồng có thể giảm tới 22%.
Một trong số các nước Nam Á có sản lượng sản xuất gạo lớn nhất thế giới, có thể giảm năng suất cây trồng từ 10 - 18% vào năm 2050 và tới 40% vào năm 2100.
"Nghiên cứu này chứng minh rằng tác động bất lợi của biến đổi khí hậu là yếu tố lớn nhất góp phần làm giảm năng suất cây trồng ở khu vực nhiệt đới, đặc biệt là ở các nước sản xuất lúa gạo, trong khi ô nhiễm ozone ở mặt đất cũng làm mất tác dụng phân bón carbon dioxide". Tiến sĩ Felix Leung, trưởng dự án và là tác giả của nghiên cứu chia sẻ.
Mặc dù ozone có mặt ở tầng khí quyển cao có tác dụng như một tấm lá chắn ngăn chặn các tia cực tím có hại, thì nồng độ ozone cao trên mặt đất lại gây hại cho sức khỏe con người và phá hoại mùa màng cũng như các hệ sinh thái.
Ozone là thành phần chính của sương khói quang hóa. Nó được tạo ra bởi một phản ứng hóa học giữa nitrogen oxide và các chất gây ô nhiễm phát thải từ ô tô và nhà máy điện dưới tác động của ánh sáng mặt trời có tia cực tím.
Trước đây, các phát hiện của Viện hàn lâm Khoa học Anh cho thấy kể từ những năm 1980 đến nay, ozone trên mặt đất đã tăng khoảng 2 ppb mỗi thập kỷ . Điều đáng nói hơn là nồng độ ozone cao đã vượt quá các ngưỡng an toàn ở nhiều khu vực trên thế giới, và có liên quan đến thiệt hại lớn cho mùa màng trên toàn cầu.
Khủng hoảng an ninh lương thực trên toàn cầu đã trở nên ngày càng nhức nhối do xung đột quốc tế, đại dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng. Nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí sẽ khiến sản xuất lương thực toàn cầu trở nên bất ổn hơn và đẩy thế giới ra khỏi Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 của Liên hợp quốc.
Theo báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 11.2021 trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi tất cả các quốc gia đáp ứng các mục tiêu phát thải đến năm 2030, còn được gọi là Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution - NDC), toàn cầu vẫn phải nóng lên 2,4 độ C vào năm 2100, lượng khí thải carbon dioxide và nồng độ ozone trên mặt đất dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa.
Nghiên cứu cũng tập trung vào các vùng sản xuất cây trồng chính như Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ và Châu Âu. Ví dụ, sản lượng đậu tương có thể giảm 22% ở Trung Quốc và 42% ở Mỹ vào năm 2100.
Khoảng 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở Châu Á. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu lúa mì do mất mùa từ đợt nắng nóng kéo dài và sớm hơn bình thường vào tháng 3 và tháng 4.
Chỉ số gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), theo dõi giá gạo toàn cầu, đã tăng lên mức cao nhất trong một năm vào tháng 5. Nó đã tăng 6,5% lên 109,2 trong tháng 5 kể từ tháng 2 khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
FAO dự báo trong tháng này rằng sản lượng gạo toàn cầu năm nay sẽ chỉ thấp hơn mức cao nhất của năm ngoái, nhờ vào một vụ thu hoạch dồi dào khác ở châu Á. Các vụ thu hoạch lớn hơn ở Châu Phi và Úc cũng sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt ở những nơi khác.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần phải có những hành động ngay lập tức để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Các nhà nghiên cứu đề xuất việc giảm thiểu phát thải khí thải và làm sạch không khí nên kết hợp với tiến bộ công nghệ trong khoa học cây trồng. Tiếp tục phát triển các giống cây trồng chịu nhiệt và chịu ozone, và bổ sung các chất dinh dưỡng, cũng sẽ giúp cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cho con người khi dân số tăng lên.
Leung nói: "Chúng tôi tin rằng nghiên cứu này sẽ đóng góp vào các giải pháp bền vững để chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng".