Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra Công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã vào cuộc điều tra dấu hiệu tội phạm trong công tác giao đất tại UBND xã Triệu Thành.

Công an vào cuộc điều tra về sai phạm trong việc cấp đất cho người dân ở Quảng Trị

Võ Thế Nghĩa | 22/11/2022, 12:15

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra Công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã vào cuộc điều tra dấu hiệu tội phạm trong công tác giao đất tại UBND xã Triệu Thành.

Ngày 22.11, trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng công an huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, cơ quan điều tra của đơn vị đang vào cuộc sau khi nhận được hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công tác giao đất tại xã Triệu Thành.

z3900871112762_a55c3ab1ba7bb0ed76ce8b33a29b7484.jpg
Quyết định của UBND huyện Triệu Phong về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Trước đó, Một Thế Giới đã đưa tin, quá trình thanh tra, cơ quan chức năng huyện Triệu Phong phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác thẩm định hồ sơ cấp đất ở giai đoạn 2016-2019 cho người dân tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Giai đoạn trên, UBND xã Triệu Thành đã thực hiện làm hồ sơ, thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp đất cho 123 hộ dân.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy xã (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm ông Nguyễn Thế Phương – nguyên Bí thư Đảng ủy (nay là Chủ tịch UBND xã Triệu Thành) và ông Trần Thế Nhân – nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Thành (nay là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy) và công chức địa chính giai đoạn 2016-2019 chưa chủ động, chưa thường xuyên nắm tình hình, thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra việc tổ chức họp xét giao đất ở cho một số hộ dân không đúng đối tượng, nhu cầu sử dụng đất và không đủ điều kiện được giao đất.

Theo cam kết khi làm đơn xin cấp đất và đối chiếu quy định của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, sau khi được nhà nước cấp đất, người dân phải “Cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền sử dụng đất/tiền thuê đất (nếu có) đầy đủ, đúng hạn”.

Tuy nhiên, trên thực tế, có 23 trường hợp người dân tại xã Triệu Thành sau khi được UBND huyện giao đất và phải đóng tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan về đất (tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ) được giao là hơn 165 triệu đồng, sau đó 23 trường hợp này đã chuyển nhượng lại cho người khác số tiền 530 triệu đồng/lô đất.

Điều đáng nói, mặc dù đưa ra yêu cầu người dân sau khi được giao đất thì phải sử dụng đúng mục đích, không chuyển nhượng cho người khác nhưng chính ông Nguyễn Thế Phương - Chủ tịch UBND xã và ông Trần Thế Nhân – Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã lại nhận chuyển nhượng 2 lô đất của người dân từ nguồn gốc đất được cấp. Trong đó, ông Nhân mua lại đất cấp của một hộ dân với giá 350 triệu đồng cho con gái đang làm việc tại TP.Đà Nẵng.

Theo Thanh tra huyện Triệu Phong, những hành vi nói trên là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013.

Đồng thời, việc thu tiền hàng triệu đồng của các hộ dân để được giao đất để đóng cọc phân lô, giải phóng mặt bằng; xét hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp đất cho một số trường hợp không đúng đối tượng, không sinh sống ở địa phương là sai quy định, gây thất thoát về tài sản của nhà nước.

Quá trình vào cuộc thanh tra, đoàn thanh tra của UBND huyện Triệu Phong bước đầu nhận định, vụ việc trên có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ nên đã chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm tại UBND xã Triệu Thành cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Phong tiếp nhận, điều tra theo thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Nhân – nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, nhiệm kỳ 2015-2020 (nay giữ chức Phó bí thư Thường trực Đảng ủy) cho biết, quá trình xét thủ tục cấp đất cho người dân, có xảy ra sai sót nhưng về quy trình, quy định đều được thông qua chủ trương của Đảng uỷ và Nghị quyết HĐND xã.

Theo ông Nhân, mỗi lô đất được nhà nước giao, người dân phải đóng khoản thuế, phí khoảng 20 triệu đồng nhưng sau đó chuyển nhượng lại bao nhiêu xã không hề hay biết, xã không ký hồ sơ công chứng mà họ đi nơi khác làm.

Ông Nhân thừa nhận, cá nhân ông và ông Nguyễn Thế Phương – Chủ tịch UBND xã có nhận chuyển nhượng 2 lô đất từ 123 lô đất được nhà nước cấp cho người dân.

“Tôi không biết anh Phương mua lại của ai nhưng bản thân tôi thì nhận chuyển nhượng lại từ vợ chồng ông Lê Võ Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Mỹ Viên ở thôn Cổ Thành với giá 350 triệu đồng cho con gái đi làm ở xa sau này về định cư. Vì lý do đi lại khó khăn nên tôi đứng tên cho lô đất mua cho con gái”, ông Nhân nói thêm.

>> Quảng Trị: Hàng loạt sai phạm trong công tác thẩm định hồ sơ cấp đất ở cho người dân

>

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công an vào cuộc điều tra về sai phạm trong việc cấp đất cho người dân ở Quảng Trị