Tin Tin Wei từng làm việc 11 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần để may áo khoác tại một nhà máy. Nhưng từ khi đảo chính xảy ra đến nay cô không hề may một chiếc áo nào.

Công nhân dệt may Myanmar lựa chọn giữa mưu sinh và dân chủ

Cẩm Bình | 21/03/2021, 09:25

Tin Tin Wei từng làm việc 11 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần để may áo khoác tại một nhà máy. Nhưng từ khi đảo chính xảy ra đến nay cô không hề may một chiếc áo nào.

Thay vào đó, người đứng đầu Liên đoàn Công dân dệt may Myanmar này tham gia biểu tình đồng thời kêu gọi gia tăng áp lực quốc tế lên chính quyền quân quản.

Liên đoàn Công dân dệt may Myanmar cùng nhiều tổ chức khác sắp xếp tổng đình công phản đối đảo chính, thúc giục nhãn hàng quốc tế như H&M hay Mango lên án việc tước đoạt quyền lực và gây sức ép nhằm đảm bảo các nhà máy gia công không sách nhiễu hay để cho công nhân tham gia biểu tình bị bắt.

“Nếu chúng tôi quay lại làm việc, làm việc cho chế độ này, tương lai sẽ chìm trong bóng tối. Chúng tôi sẽ đánh mất quyền lao động thậm chí quyền con người”, Tin Tin Wei chia sẻ.

1000.jpeg
Phong trào biểu tình phản đối đảo chính thu hút nhiều công nhân - Ảnh: AP

Liên đoàn Công dân dệt may Myanmar và Liên minh Công đoàn Myanmar đang đề nghị cộng đồng quốc tế ban hành biện pháp trừng phạt toàn diện thay vì trừng phạt nhắm đến mục tiêu cụ thể như hiện tại.

Khi các lệnh trừng phạt quốc tế được bãi bỏ dần từ giữa những năm 2010 do Myanmar bắt đầu chuyển giao dân chủ cũng như đặt ra tiên chuẩn lao động, hàng loạt nhãn hàng phương Tây tìm đến quốc gia Đông Nam Á để tận dụng lao động giá rẻ, đa dạng hóa nguồn cung. May mặc thuộc số ngành phát triển nhanh chóng.

Trừng phạt toàn diện chắc chắn có thể phá hủy sinh kế của hơn 600.000 công nhân ngành dệt may, nhưng người đứng đầu một số công đoàn cho biết họ thà chịu cảnh sa thải hàng loạt còn hơn phải bị quân đội áp bức.

Tin Tin Wei - trụ cột duy nhất trong gia đình và đang phải nhận quyên góp thực phẩm - khẳng định: “Tôi cần hy sinh điều gì đó ở ngắn hạn cho tương lai dài hạn của thế hệ tiếp theo”.

Phong trào bất tuân dân sự (CDM) nay đã quy tụ được công nhân đường sắt, tài xế xe tải, nhân viên y tế, nhân viên ngân hàng cùng nhiều người lao động khác. Lao động Theo Sein Htay vừa từ Thái Lan về cho biết: “Chúng tôi tin CDM thực sự hiệu quả nên có động lực tiếp tục”.

Đàn áp bạo lực nhằm vào lực lượng biểu tình đang leo thang. Ngày 14.3, binh sĩ bắn chết ít nhất 38 người tại một khu công nghiệp ngoại ô Yangon – nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất quần áo. Hàng nghìn công nhân cùng gia đình chạy khỏi khu vực một ngày sau đó.

Ngành may mặc đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Myanmar: khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 của nước này là từ hàng dệt may (4,59 tỉ USD). Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ có 900 triệu USD.

Hàng dệt may Myanmar chủ yếu tiếp cận thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhờ những hiệp định thương mại. Mỹ chiếm 5,5% xuất khẩu Myanmar với phần lớn là quần áo, giày dép, túi hành lý.

1000-1-.jpeg
Ngành dệt may Myanmar phát triển nhanh chóng - Ảnh: AP

Phản ứng từ phía doanh nghiệp

Xét trên toàn mạng lưới nguồn cung mà các nhãn hàng Mỹ và châu Âu thiết lập thì Myanmar chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%. Phản ứng từ phía doanh nghiệp trước lời kêu gọi Liên đoàn Công dân dệt may Myanmar đưa ra rất khác nhau: chỉ một số ít định ngừng làm ăn tại Myanmar; hầu hết đưa ra tuyên bố phản đối đảo chính, đảm bảo hỗ trợ người lao động bằng cách đem lại việc làm nhưng không cam kết thực hiện bất cứ hành động cứng rắn nào.

Giới chuyên gia lưu ý rằng chuyển dây chuyền sản xuất khỏi một quốc gia - cũng như quay lại - chẳng phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa sự hiện diện của doanh nghiệp phương Tây giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện tiêu chuẩn lao động.

Giám đốc điều hành nhãn hàng L.L. Bean Steve Smith bày tỏ thất vọng trước tình hình Myanmar. Ông cho biết họ có kế hoạch sản xuất dự phòng nhưng quan trọng là không từ bỏ Myanmar.

H&M, The Benetton mạnh mẽ hơn, quyết định đình chỉ mọi đơn hàng từ nhà máy ở Myanmar. Mango cam kết hợp tác với đối tác thương mại lẫn công đoàn để đảm bảo công nhân không bị trả đũa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
16 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân dệt may Myanmar lựa chọn giữa mưu sinh và dân chủ