Ngày 15.12, gần 200 quốc gia đạt được đồng thuận về một khuôn khổ chi tiết hơn cho Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình thế giới tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

COP24: Các nước nhất trí bộ quy tắc cho Thỏa thuận khí hậu Paris

Cẩm Bình | 16/12/2018, 09:46

Ngày 15.12, gần 200 quốc gia đạt được đồng thuận về một khuôn khổ chi tiết hơn cho Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình thế giới tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là kết quả đạt được sau hai tuần đàm phán tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24). Chủ tịch Michal Kurtyka cho biết: “Không dễ cho tất cả nhất trí với một thỏa thuận chi tiết và cụ thể như vậy. Chúng ta tiến được một nghìn bước nhỏ nhờ bộ quy tắc này. Các bạn có thể thấy tự hào”.

Một trong những mục chính của bộ quy tắc là cơ chế minh bạch, đặt ra cách thức các quốc gia công bố thông tin về kế hoạch hành động nước mình, bao gồm lượng phát thải khí nhà kính dự kiến giảm, biện pháp giảm cũng như thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ quy tắc cũng giới thiệu cách tính lượng phát thải khí nhà kính thống nhất. Nếu nước nghèo cảm thấy không thể đạt mục tiêu giảm phát thải, họ có thể giải thích và lên kế hoạch nâng cao năng lực chống biến đổi khí hậu của bản thân.

Với vấn đề tài chính mà quốc gia phát triển sẽ đóng góp giúp quốc gia đang phát triển, ủy ban biến đổi khí hậu hiện tại đặt tham vọng huy động được 100 tỉ USD/năm kể từ năm 2020.

Điểm đáng chú ý nữa là tất cả nhất trí cách đánh giá hiệu quả của các biện pháp đối phó biến đối khí hậu, cách phát triển và chuyển giao công nghệ.

Hội nghị lần này vẫn còn một vấn đề quan trọng phải chuyển sang đàm phán tại COP25 tại Chile: giao dịch khí thải carbon.

Theo Tổng Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa: “Bộ quy tắc mà phái đoàn các quốc gia phải nỗ lực có được rất cân bằng và phản ánh sự phân chia trách nhiệm. Phần lớn đã hoàn tất, mặc dù còn một số chi tiết phải cải thiện”.

Bộ quy tắc đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho chuyện công khai thông tin, đóng góp tài chính, cách tính phát thải khí nhà kính… - Ảnh: Reuters

Trước khi COP24 diễn ra, kỳ vọng đạt một bộ quy tắc cụ thể ở mức rất thấp do tinh thần thống nhất từng làm nền tảng cho đàm phán COP21 tại Paris đã suy yếu trong khi Mỹ (nước phát thải khí nhà kính hàng đầu) muốn rút khỏi.

Các bên còn phải cố gắng xử lý thế bế tắc giữa Brazil với một vài quốc gia trong đàm phán về quy tắc kế toán nhằm quản lý giao dịch khí thải carbon. Tuy vậy tất cả đã vượt qua chia rẽ để cho ra đời bộ quy tắc 156 trang.

Ngoài bộ quy tắc, COP24 cũng đã được nhiều thành tựu khác. Đức cùng Na Uy cam kết tăng gấp đôi đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh, Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ 200 tỉUSD cho ứng phó biến đổi khí hậu trong 5 năm, đại diện hai ngành thể thao và thời trang khẳng định sẽ điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu Thỏa thuận khí hậu Paris.

Dù còn nhiều ý kiến không hài lòng với kết quả của COP24 vì bộ quy tắc không mang tính bắt buộc và nước phát thải lớn là Mỹ vắng mặt, nhưng phái đoàn đàm phán các nước nhấn mạnh, đây là những gì tốt nhất có thể đạt được khi thời gian đàm phán chỉ có hai tuần, trong bối cảnh rất cần có sự đồng thuận trên phạm vi toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu.

Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP, UN News)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COP24: Các nước nhất trí bộ quy tắc cho Thỏa thuận khí hậu Paris