CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021 trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia ở mức kỷ lục và giá cả nhiều mặt hàng tăng cao.

CPI tăng thấp trong khi giá cả nhiều mặt hàng tăng kỷ lục, chuyên gia nói gì?

Hoài Lam | 10/07/2022, 17:00

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021 trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia ở mức kỷ lục và giá cả nhiều mặt hàng tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới cao ở mức kỷ lục, và giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.

“Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022 với nền kinh tế Việt Nam rất lớn, cần có các biện pháp quản lý phù hợp”, ông Thịnh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% được hỗ trợ bởi môt số nguyên nhân.

Trước hết, mặc dù một số nền kinh tế lớn trên thế giới từng bước phục hồi, nhưng do tác động của các gói hỗ trợ kích cầu trong đại dịch COVID-19 nên lạm phát của các nước trên thế giới tăng cao.

Theo đó, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% - mức cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục. OECD nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988. Lạm phát ở Anh đã tăng lên 9,1% trong tháng 5 - mức cao nhất kể từ năm 1982; BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, mức độ tăng của giá cả còn lên tới 73%.

cpi.png
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021

Đồng thời, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc và việc thực hiện chính sách “Zero COVID-19” đã làm đứt gãy nguồn cung vật tư, linh kiện phục vụ sản xuất của thế giới. Thêm vào đó, cuộc xung đột UKraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các nước phương tây đối với Nga cùng sự trả đũa cũng rất mạnh mẽ của Nga đối với các nước phương Tây làm cho nguồn cung xăng dầu, gas và nhiều vật tư, nguyên liệu bị xáo trộn.

Giá cả xăng dầu và nhiều loại vật tư nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đã tăng cao, tác động mạnh đến lạm phát. Nhưng tình hình giá cả ở Việt Nam chưa bị tác động nhiều trong quý 1, do sức cầu còn yếu bởi nhiều ngành dịch vụ chưa mở cửa nên CPI của một số tháng chưa tăng mạnh.

Một nguyên nhân khác, theo ông Thịnh, các yếu tố cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế (nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại, quan hệ cung - cầu ngoại tệ ...) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước. Dự trữ ngoại hối trên 115 tỉ USD, cùng với kinh nghiệm kiểm soát lạm phát thấp trong nhiều năm qua, đang tạo được niềm tin và sự ổn định nhất định của thị trường tài chính - tiền tệ.

Thêm vào đó, 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỉ USD); vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, giảm sức ép tăng giá ngoại tệ.

Cũng theo ông Thịnh, việc điều hành chính sách tiền tệ đã linh hoạt và chủ động hơn, lượng cung tiền vào nền kinh tế ở mức vừa phải, tỷ giá cơ bản ổn định, chỉ số giá đô la Mỹ giảm chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,2%, VND ổn định và tăng giá so với USD và các đồng tiền khác.

“Đây là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp”, ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, do dịch COVID-19 được kiểm soát, khiến người dân đẩy mạnh chi tiêu, theo đó giá vé tàu, vé ô tô, giá vé máy bay, giá dịch vụ du lịch tăng mạnh.

“Việc tăng chi tiêu với chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021 cũng là nguyên nhân làm cho vòng quay của tiền tệ trong nền kinh tế tăng nhẹ (khoảng 0,68 lần so với 0,65 lần năm 2021), góp phần tạo áp lực tăng CPI”, ông Thịnh nêu.

Ngoài ra, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả trong nước giảm giá do được mùa và chuỗi cung ứng đã hồi phục sau khi mở cửa “sống chung” với dịch bệnh. Như giá thịt lợn, giá thịt gà, giá gạo, giá rau đều giảm. Tính chung 6 tháng, nhóm lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa tính CPI giảm 0,4% so với cùng kỳ 2021...cũng góp phần làm CPI tăng chậm lại.

cpi2.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khẳng định 6 tháng đầu năm 2022 CPI tăng bình quân 2,44% là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Theo bà Oanh, bên cạnh những yếu tố làm tăng CPI cũng có những yếu tố giúp kiềm chế CPI trong 6 tháng đầu năm. Giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong đó giá thịt lợn giảm 20,1% đã giúp kiềm chế CPI.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua các địa phương đã miễn giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch nên đã làm cho giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56%.

Đặc biệt, trước áp lực lạm phát tăng cao, Chính phủ cũng đã kịp thời thực hiện một loạt các giải pháp giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1.4.2022.

“Nhờ vậy mà chúng ta đã kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%”, bà Oanh nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CPI tăng thấp trong khi giá cả nhiều mặt hàng tăng kỷ lục, chuyên gia nói gì?